Trong xu thế “mái bằng hoá” nhà ở diễn ra mạnh mẽ tại nhiều vùng nông thôn thì tại một số địa phương ven biển ở Thái Bình vẫn lưu giữ những ngôi nhà mái bổi đặc trưng của cư dân nơi đây.
Những ngôi nhà mái bổi không chỉ là nét văn hóa truyền thống mà còn là sản phẩm du lịch mang tính riêng biệt, nếu được khai thác tốt sẽ trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước
Đặc trưng của nhà lợp mái bổi
Toàn cảnh ngôi nhà lợp bổi rất độc đáo và mang đậm nét vùng biển. |
Nhà thường, mái được lợp bổi (là cây cói được trồng nhiều ở các vùng đất bãi mặn, lợ ven biển).
Khi thu hoạch, những cây cói thân nhỏ nuột, dài hơn mét rưỡi, mét sáu được dùng để dệt chiếu. Nhưng cây cói thân to, ngắn người ta cắt, phơi trên bờ bãi cho khô rồi đem về dùng để lợp nhà.
Nhà lợp bằng mái bổi rất mát về mùa hè và ấm về mùa đông do thân cây bổi xốp, chứa không khí bên trong tạo thành lớp cách nhiệt. Hơn nữa người dân nơi đây thường lợp mái bổi khá dầy. Đa số mái nhà lợp bổi dầy từ bẩy tám mươi phân đến trên một mét, trọng lượng mái bổi thường khoảng vài ba chục tấn. Do vậy có mái bổi lợp nếu không bị bão gió làm tốc hoặc quật đổ nhà thì phải năm sáu mươi năm sau vẫn còn dùng tốt
Nét văn hoá đặc sắc của cư dân vùng biển
Qua tìm hiểu sơ bộ, chúng tôi được biết, bổi là cây cói sống ở các vùng đất bãi mặn, lợ ven biển. Những cây cói khi thu hoạch được chia làm 2 loại; loại có thân nhỏ, dài đều từ 1,5 - 1,6m được dùng để dệt chiếu, còn những cây cói thân to, ngắn được cắt, phơi khô dùng để lợp nhà. Hệ thống các đòn tay, dui, mè bằng luồng đều được lựa chọn kỹ lưỡng, dây buộc đều bằng mây.
Vì vậy, trải qua 30 năm mưa gió, lại nằm trong khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của bão, gió nhưng nhà ông vẫn vững chắc. Nhiều gia đình còn giữ nhà lợp bổi cho biết, nhà lợp bổi càng nặng thì càng chắc chắn, không sợ mưa, gió.
Cột xà và đòn tay bên trong dù đã trải qua năm tháng nhưng vẫn chắc chắn. |
Ngoài ra, nếu bảo quản tốt như thường xuyên cạo sạch lớp mùn, đất, cát trên mái, phòng, chống chuột cắn thì nhà mái bổi bền hơn rất nhiều so với nhà mái ngói. Trung bình mỗi nhà mái bổi “tuổi thọ” 50 - 60 năm, trong khi mái ngói chỉ 20 - 25 năm là phải cải tạo, thay, đảo ngói, kèo, cột, đòn tay…
Quá trình tồn tại gắn bó với đời sống, sinh hoạt của người dân, nhà mái bổi đã vượt lên công dụng che mưa, che nắng, trở thành nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng biển.
Những mái nhà bổi còn lại tại các vùng quê ven biển là dấu ấn của phong tục tập quán sinh sống của cư dân ven biển cần được bảo tồn, lưu giữ để đọng lại trong tâm thức những người con xa quê một nét hồn quê sâu lắng.
(Theo Dân Việt)