Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 54 - năm 2025 dành cho học sinh trên toàn cầu, vừa được Bộ TT&TT phối hợp cùng Bộ GD&ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong & Nhi đồng chính thức phát động tại Việt Nam.

thi viet thu UPU 0.jpg
W-thi viet thu UPU 2 1.jpg
Hằng năm, cuộc thi viết thư quốc tế UPU thu hút sự tham gia của hàng triệu học sinh Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước. Ảnh: P.L

Cuộc thi viết thư UPU là một hoạt động ý nghĩa, đã gắn liền với nhiều thế hệ học sinh Việt Nam. Trong lần thứ 37 Việt Nam tổ chức cho học sinh toàn quốc tham gia, cuộc thi viết thư UPU lần thứ 54 có chủ đề “Tưởng tượng bạn là đại dương. Hãy viết một lá thư cho ai đó, giải thích lý do và cách họ nên làm để chăm sóc, bảo vệ bạn thật tốt”.

Với mong muốn hỗ trợ học sinh viết được bức thư hay và đúng thể lệ, bên cạnh một số lưu ý về kỹ thuật viết thư, Ban giám khảo cuộc thi viết thư quốc tế UPU 54 cũng hướng dẫn thêm các em cách viết với đề bài năm nay.

Cụ thể, bức thư dự thi viết thư UPU cần được viết bằng những câu văn rõ ràng, mạch lạc, giàu cảm xúc; tránh cách viết thư theo kiểu trình bày tư liệu, liệt kê hay kể lể chung chung. Bức thư có nhiều chi tiết sinh động, cách so sánh hợp lý sẽ càng lôi cuốn, hấp dẫn và thuyết phục người đọc.

Clip về một số lưu ý quan trọng của Ban tổ chức cuộc thi UPU lần thứ 54. Nguồn: Vietnam Post

Một bức thư dự thi viết thư quốc tế UPU không phải là bức thư thông thường, mà là một bức thư văn học được viết bởi sự sáng tạo và cảm xúc mang dấu ấn khác biệt.

“Các em là tác giả của bức thư, hãy chủ động trong cách trình bày suy nghĩ, cảm xúc, vấn đề của mình sao cho thuyết phục nhất. Bức thư đoạt giải cao thường là bức thư ý có tưởng độc đáo, có cách lập luận sáng rõ với hành văn vừa giản dị, vừa giàu tính biểu cảm”, đại diện Ban giám khảo nhấn mạnh.

Cũng theo hướng dẫn của Ban giám khảo, đề tài hằng năm của cuộc thi viết thư UPU dù có khác nhau nhưng để bắt tay vào việc viết thư, trước tiên các em học sinh đều phải giải quyết được một vấn đề chung là xác định rõ chủ thể  - vị trí, vai trò của người viết thư.

Điều đó tùy thuộc vào yêu cầu chủ đề từng năm hoặc tùy thuộc vào trí tưởng tượng và tính sáng tạo của các em.

W-thi viet thu UPU 54.jpg
Học sinh Đà Nẵng trải nghiệm hoạt động gửi thư qua đường Bưu điện, tại lễ phát động cuộc thi viết thư UPU lần thứ 54 - năm 2025 tại Việt Nam được tổ chức ngày 11/11/2024. Ảnh: P.L

Về chủ đề cuộc thi viết thư UPU lần thứ 54, đại diện Ban giám khảo quốc gia phân tích: Chủ đề năm nay đã yêu cầu rất rõ: “Tưởng tượng bạn là đại dương”; vậy nên trước khi viết thư, học sinh cần có kiến thức cơ bản về đại dương.

Sau khi đã xác định rõ chủ thể và có sự hiểu biết căn bản về đại dương, bước tiếp theo là các em cần làm rõ người sẽ nhận thư. Việc chọn người nhận thư là ai cũng rất quan trọng, yêu cầu tính sáng tạo.

Bởi lẽ, người nhận thư sẽ là người đồng hành với người viết từ đầu đến cuối bức thư, là người lắng nghe những chia sẻ, đồng thời có thể cùng tham gia các hành động thiết thực giúp học sinh giải quyết câu chuyện riêng của mình, trong đó chứa đựng nhiều hy vọng, hoài bão tốt đẹp cho tương lai nhân loại.

Cuối cùng, học sinh cần hiểu và giải quyết được ‘lý do’, ‘cách nên làm’ để ‘chăm sóc, bảo vệ’ trong cụm từ khóa ‘giải thích lý do và cách họ nên làm để chăm sóc, bảo vệ bạn thật tốt’.

Việc các em đưa ra được lý do nào thôi thúc mình buộc phải viết thư (qua việc cho thấy được ích lợi, thực trạng của đại dương) và bằng cách nào (qua hành động cụ thể, đề xuất giải pháp sáng tạo, hiệu quả) là các em đã giải quyết thấu đáo vấn đề quan trọng trong việc bảo vệ đại dương đối với sự sống còn của hành tinh, sự tồn vong của cả nhân loại”, đại diện Ban giám khảo lưu ý.

Ngoài việc góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của học sinh, cuộc thi viết thư quốc tế UPU còn giúp các em hiểu thêm về vai trò của ngành bưu chính.

Đồng thời, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận, nhận thức các vấn đề của xã hội, thời đại và thể hiện suy nghĩ về những vấn đề này; từ đó bồi đắp, nuôi dưỡng tình cảm, trách nhiệm của thế hệ trẻ với xã hội, đất nước và thế giới.