Tết Đoan Ngọ (5/5 Âm lịch) năm nay rơi vào ngày 9/6. Bạn có thể nấu các món đồ thường ăn trong dịp này như xôi vò và các loại rượu.
Xôi vò
Nguyên liệu:
- 1 kg gạo nếp
- 500 gram đậu xanh cà còn vỏ
- Dầu ăn (hoặc mỡ gà thắng lấy nước), muối
- Đường (tùy ý)
Cách làm
- Đậu xanh và nếp ngâm qua đêm, đãi sạch vỏ, xả lại gạo nếp và để ráo nước. Trộn vào nếp 1 muỗng cà phê muối, đậu xanh 1/4 muỗng muối.
- Bắc xửng hấp lên bếp, khi nước sôi cho đậu xanh vào hấp khoảng 20 phút, xem đậu xanh mềm thì đem ra giã nát, để riêng. Nếp để thật khô ráo (có thể dùng khăn sạch lau gạo), đổ từ từ dầu ăn (mỡ gà) vào trộn (khoảng một bát ăn cơm).
Khi dầu đã thấm đều, cho 1/2 đậu xanh vào trộn. Hấp khoảng 25 phút, nhấc xửng xuống, trọn tiếp 1/2 đậu xanh còn lại. Bạn nào thích ăn ngọt có thể thêm đường vào lúc này. Nếu nước trong xửng dưới còn ít nước thì thêm nước vào, để sôi lại và cho xôi đã trộn vào xửng hấp thêm 10 phút là được.
Lưu ý: Các bạn nên mua đậu xanh còn vỏ, xôi sẽ có màu đẹp và thơm hơn nhé.
Điểm khác biệt:
Xôi vò: nếp sống trộn với đậu xanh.
Xôi xéo: nếp đã hong gần chín mới trộn với đậu xanh.
Xôi vò dùng với giò lụa, chè hoa cau, hoặc cơm rượu đều rất ngon. Nếp Bắc quá dẻo nên xôi không rời hạt, các bạn có thể dùng nếp ngỗng, nếp sáp - xôi sẽ rời hạt.
Rượu nếp lức - nếp than
Nguyên liệu
-1 kg nếp lức (nếp than)
- Men (bán theo số lượng nếp mua)
Cách làm:
Cách 1: Vo sạch nếp, ngâm nếp lức 6 tiếng, nếp than 10 tiếng, vớt ra để ráo 30 phút. Nấu cơm nếp theo tỷ lệ 1:1 (1 kg nếp + 1 lít nước). Cơm nếp chín, xới ra khay dàn mỏng để nguội.
Chuẩn bị dụng cụ ủ: 1 rá vo gạo lót lá chuối, hoặc bao thực phẩm cắt lỗ nhỏ ở giữa, 1 tô để hứng nước cơm rượu và khăn lớn để chùm kín. Bạn có thể dùng giấy bạc lót bên trong bằng wrap rồi gói lại, đục lỗ phía dưới chỗ lót tô hứng nước nhé.
Lưu ý: Nên rắc men khi cơm nếp còn ấm tay.
Chia men thành 2 phần : một phần rắc đều mặt trước đảm bảo men phủ kín bề mặt cơm nếp, cho vào rổ, lật mặt dưới lên rắc nửa men còn lại rồi đậy lại, ủ kín. Tùy thời tiết, trời càng nóng cơm rượu càng mau được. Khoảng 3 ngày, cơm rượu sẽ tiết ra nước và mùi thơm rượu.
Cơm rượu đạt là khi hạt cơm ngấu mềm, ngọt, thơm nhẹ mùi rượu. Cho cơm rượu đã ngấu và nước cơm rượu vào thố có nắp đậy, trộn đều và để tủ lạnh dùng dần (cơm rượu để tủ lạnh được khá lâu cũng ko bị lên men).
Cách 2: Vo sạch nếp, ngâm nếp lức và nếp than qua đêm vớt ra vo lại để ráo 30 phút. Bắc xửng hấp lên bếp nấu nước sôi, cho nếp vào hấp khoảng 20 phút, nhấc xửng ra xới nếp ra rổ, nhúng nhanh vào chậu nước lạnh (1 lần), xóc lại cho nếp ráo nước. Cho nếp vào xửng hấp lần 2 khoảng 20 phút là chín. Công đoạn ủ tiếp theo giống như ở trên.
Lưu ý
Cơm rượu nếp nấu sẽ cho thành phẩm cơm rượu mềm, nhiều nước rượu (rượu nếp lức).
Cơm rượu hấp xửng sẽ cho thành phẩm hạt cơm rượu múp, ít nước hơn (rượu nếp than).
Cơm rượu miền Nam
Nguyên liệu:
- 1kg nếp ngon
- Men (bán theo số lượng nếp mua)
- Muối
Cách làm :
- Nếp vo sạch, để ráo nước. Xóc gạo với ít muối cho vào nồi nấu cơm nếp (tỷ lệ 1:1). Để cơm nếp nguội, giã nhuyễn men rắc đều lên mặt cơm nếp. Chuẩn bị một bát đựng 1/2 nước nấu chín cho ít muối và ít men còn lại để xoa vào lòng bàn tay khi vo viên (mang găng tay sẽ không bị dính). Xếp các viên cơm nếp vào thố có nắp ủ kín 3 ngày là được.
(Theo Zing.vn)