Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, hội nghị hướng dẫn triển khai hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản 4 cấp chính quyền với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam vừa được Văn phòng Chính phủ tổ chức tại TP.HCM ngày 28/7/2017.
Kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản của các bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử.
Được ban hành tháng 10/2015, Nghị quyết 36a của Chính phủ hướng tới mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Trong phát biểu tại hội nghị hướng dẫn triển khai hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản 4 cấp chính quyền với các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ứng dụng CNTT, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà đã nhấn mạnh, những năm qua, Đảng, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng CNTT, đặc biệt là ứng dụng CNTT trong hệ thống cơ quan hành chính.
Tại Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, Chính phủ đã giao nhiều nhiệm vụ cụ thể, quan trọng cho các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Một trong 6 nhiệm vụ Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ chủ trì thực hiện là phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản; tổ chức triển khai phần mềm quản lý văn bản đối với các cơ quan chưa có hoặc đã có nhưng chưa đáp ứng yêu cầu liên thông.
Trong báo cáo quý II/2017 về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a, Văn phòng Chính phủ cho biết, đã có 26/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Ha, để hoàn thiện một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương, cho phép tự động gửi nhận văn bản điện tử trên hệ thống liên thông nhằm phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ cần phải tiếp tục triển khai hoàn thiện liên thông văn bản điện tử tới các bộ, ngành, địa phương.
Trên thực tế, theo báo cáo quý II/2017 về tình hình thực hiện Nghị quyết 36a, tính đến cuối tháng 6/2017, Văn phòng Chính phủ đã hoàn thiện liên thông văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số với TP.HCM và hiện đang triển khai nhân rộng với các bộ, ngành, địa phương khác. Theo kế hoạch, dự kiến đến ngày 30/9/2017 sẽ hoàn thành liên thông văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số với 27 cơ quan, trong đó giai đoạn 1 là 7 cơ quan và giai đoạn 2 là 20 cơ quan.
Bên cạnh đó, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức xây dựng Quy chế gửi, nhận văn bản điện tử theo hệ thống quản lý văn bản 4 cấp chính quyền trong quý III năm nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tích hợp thông tin kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lên hệ thống kết nối liên thông cập nhật tình hình, theo dõi kết quả một cách tự động, chính xác; xây dựng nội dung để tổ chức tập huấn cho các bộ, ngành, địa phương, trước mắt là đối với Bộ TT&TT và 27 cơ quan thuộc giai 1 và 2.
Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra ngày 28/7 vừa qua, đại diện lãnh đạo các địa phương khu vực phía Nam đã được hướng dẫn cụ thể về việc kết nối, liên thông văn bản điện tử giữa các cấp và mô hình mẫu liên thông văn bản điện tử 4 cấp hành chính.
Cùng với việc được lãnh đạo Vụ Hành chính – Văn phòng Chính phủ hướng dẫn quy trình xử lý văn bản điện tử và khai thác, sử dụng văn bản điện tử trên hệ thống liên thông văn bản, các địa phương cũng được phổ biến về các vấn đề về an toàn an ninh thông tin trên hệ thống kết nối, liên thông văn bản điện tử; về danh mục văn bản pháp lý văn bản tham chiếu.
Cũng tại hội nghị, đại diện các Sở TT&TT các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đã phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong qua trình thực hiện hoàn thiện hệ thống liên thông phần mềm quản lý văn bản các cấp. Các ý kiến góp ý từ các địa phương đã được đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ ghi nhận để có điều chỉnh phù hợp với điều kiện thực tế, từ đó hoàn thiện và vận hành hệ thống được tốt hơn.