Tại Phiên họp thứ nhất của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban đã chỉ đạo: Chuyển đổi số phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là động lực. Vì vậy, Bộ TT&TT xác định định hướng xuyên suốt của chuyển đổi số năm 2022 là: đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các nền tảng số Việt Nam.
Theo Bộ TT&TT, trong năm 2022, Bộ triển khai thí điểm Chương trình đưa người dân lên các nền tảng số, trong đó, ưu tiên phục vụ một số nhóm nhu cầu cơ bản, phổ biến của người dân gồm: Thông tin liên lạc; Đi lại; Mua sắm, thương mại điện tử; Cập nhật tin tức; Học tập; Sức khỏe; Du lịch; An toàn thông tin mạng; Thanh toán.
Mua sắm, thương mại điện tử là 1 trong những lĩnh vực Bộ TT&TT sẽ thí điểm triển khai Chương trình đưa người dân lên các nền tảng số. (Ảnh minh họa) |
Để thực hiện thí điểm Chương trình đưa người dân lên các nền tảng số, như ICTnews đã thông tin, cuối tháng 3, cùng với việc thành lập Hội đồng đánh giá xác định nền tảng số phục vụ người dân năm 2022, Bộ TT&TT đã ban hành Khung tiêu chí, quy trình xác định nền tảng số có khả năng triển khai rộng khắp.
Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng thực hiện đánh giá các nền tảng số, bảo đảm chỉ những nền tảng đáp ứng yêu cầu mới được khuyến khích sử dụng nhằm bảo vệ người dân, giảm thiểu tối đa những nguy cơ có thể xảy ra.
Mỗi nền tảng đăng ký tham gia Chương trình sẽ được đánh giá bởi một Hội đồng do Bộ TT&TT thành lập với sự tham gia của các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, các Hội/ Hiệp hội gồm Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam.
Các nền tảng số sẽ được đánh giá theo 4 nhóm tiêu chí gồm: Tiêu chí về tư cách pháp nhân và năng lực của tổ chức, doanh nghiệp; Tiêu chí về chức năng và tính năng của nền tảng số; Tiêu chí về an toàn, an ninh mạng; Một số tiêu chí đặc thù khác.
Vụ Quản lý doanh nghiệp được Bộ TT&TT giao là đơn vị thường trực, điều phối chung hoạt động đánh giá các nền tảng số phục vụ người dân; thực hiện các thủ tục trình Lãnh đạo Bộ công nhận.
Theo hướng dẫn của Vụ Quản lý doanh nghiệp, các doanh nghiệp có nền tảng số phục vụ người dân cần gửi hồ sơ đăng ký về Bộ TT&TT gồm các tài liệu thể hiện thông tin về doanh nghiệp và nền tảng số tương ứng với các tiêu chí được ban hành.
Cụ thể, thông tin doanh nghiệp gồm: Tên doanh nghiệp, giấy đăng ký kinh doanh hoặc quyết định thành lập (đối với tổ chức); ngành nghề kinh doanh chính; thông tin tỷ lệ sở hữu, địa chỉ của trụ sở chính; Thông tin về năng lực tài chính, kinh doanh bao gồm vốn điều lệ, doanh thu và lợi nhuận 3 năm gần nhất; Thông tin về năng lực nhân sự gồm tổng số lao động chuyên môn CNTT, Tổng số lao động; Tên, số điện thoại, email của lãnh đạo phụ trách và cán bộ đầu mối của doanh nghiệp.
Về thông tin nền tảng số, hồ sơ đăng ký cần ghi rõ thông tin về: Tên thương hiệu nền tảng và loại nền tảng số như thông tin liên lạc, đi lại, mua sắm, thương mại điện tử, cập nhật tin tức, học tập, sức khỏe, du lịch, an toàn thông tin mạng, thanh toán, loại khác; Tài liệu thiết kế hệ thống, mô tả chức năng, dịch vụ nền tảng có thể cung cấp.
Cùng với đó, hồ sơ cần cung cấp thông tin phân tích các đặc trưng nền tảng số đối với nền tảng của doanh nghiệp như: có sử dụng điện toán đám mây, cung cấp chức năng như là dịch vụ (as-a-service), khả năng tùy chỉnh để đáp ứng nhu cầu mà không cần chỉnh sửa mã nguồn; Phân tích tiềm năng đáp ứng nhu cầu phổ biến của người dân đối với nền tảng của doanh nghiệp; Phân tích khả năng đáp ứng khi quy mô người dùng tăng trưởng đột biến thông qua việc chỉ cần tăng năng lực hạ tầng mà không cần chỉnh sửa thiết kế, kiến trúc và mã nguồn.
Đối với tài liệu về an toàn thông tin, thông tin cần cung cấp là hồ sơ đề xuất cấp độ được phê duyệt và cam kết kế hoạch, lộ trình triển khai phương án đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ không quá 3 tháng (nếu có); phương án bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân theo Luật An toàn thông tin mạng, luật an ninh mạng; phương án về lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam theo quy định của Luật An ninh mạng.
Theo Bộ TT&TT, được người dân Việt Nam sử dụng nhiều là nền tảng số Việt Nam trong lĩnh vực liên lạc. Số lượng người dùng thường xuyên hằng tháng của Zalo đạt 74,7 triệu vào tháng 2/2022, cao hơn Messenger của Meta (67,8 triệu). Đặc biệt, tổng lượng dữ liệu trung bình mỗi người dùng Việt Nam tạo ra, trao đổi hàng tháng với nhau trên Zalo và Mocha xấp xỉ 591 MB, nhiều hơn 1,43 lần so với tổng lượng dữ liệu trao đổi trên Top 3 nền tảng nước ngoài phổ biến ở Việt Nam. Đây là tín hiệu đáng mừng về khả năng thu hút dữ liệu người dùng Việt Nam lưu trữ trên nền tảng số của Việt Nam. Sổ sức khỏe điện tử là điểm sáng tiếp theo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thường xuyên giữ vị trí đứng đầu về lượt tải và số lượng người dùng hằng tháng (19,9 triệu) trong nhóm Y tế. ViettelPost chuyển phát nhanh đứng đầu nhóm ứng dụng giao hàng cả về lượt tải và số lượng người dùng thường xuyên hằng tháng. Lĩnh vực tài chính số phát triển khá ổn định, vững chắc và tương đối đồng đều giữa các ngân hàng. Tuy nhiên, Bộ TT&TT cũng cho biết thêm, hầu hết các nhóm nền tảng xã hội số khác còn phát triển khá khiêm tốn, trong đó một số nền tảng số như du lịch, học tập, chăm sóc sức khỏe có dấu hiệu suy giảm trong quý 1/2022. |
Vân Anh
Bộ TT&TT ban hành khung tiêu chí xác định nền tảng số phục vụ người dân năm 2022
Cùng với việc thành lập Hội đồng đánh giá nền tảng số phục vụ người dân năm 2022, Bộ TT&TT cũng vừa ban hành khung tiêu chí và quy trình xác định các nền tảng số này.