Bơi lội không chỉ rèn luyện sức khỏe mà còn là kỹ năng sống mà bất kỳ ai cũng cần trang bị chứ không riêng gì trẻ nhỏ.
Ở Việt Nam mỗi năm có khoảng 6.400 người tử vong vì tai nạn đuối nước, trong đó hơn 50% đối tượng bị nạn là trẻ em. Thương tâm hơn, có những vụ việc xảy ra với một nhóm đối tượng là học sinh cùng lớp hoặc anh chị em trong cùng một gia đình, điều này khiến cho những mất mát đối với gia đình và những người xung quanh là vô cùng to lớn.
Trước thực trạng đó, để phòng chống đuối nước cho trẻ, rất nhiều gia đình đã bỏ tiền triệu thuê hồ bơi, huấn luyện viên để cho con học bơi. Theo nhận định của các chuyên gia đây là hành động cần thiết và suy nghĩ tích cực của các bậc phụ huynh, nhằm giúp trẻ có thêm kỹ năng sống và biết tự sinh tồn khi gặp nạn.
Cho trẻ học bơi đang là xu thế của rất nhiều gia đình, nhất là trong thời điểm bắt đầu vào mùa hè, hơn nữa với hàng loạt các vụ tai nạn đuối nước dẫn đến hậu quả nghiêm trọng trong thời gian qua, việc cho trẻ học bơi lại càng được các gia đình quan tâm.
Theo huấn luyện viên (HLV) bơi lội Phạm Huy Hoàng (Bể bơi Tuổi trẻ - Võ Thị Sáu – Hà Nội), việc cho trẻ học bơi là điều vô cùng cần thiết, bởi bơi lội không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe toàn diện mà còn rèn cho trẻ kỹ năng sống rất cần thiết để có thể đáp ứng với các thảm họa, nhất là những tai nạn đuối nước đang xảy ra ngày càng nhiều.
HLV Huy Hoàng cho biết, trong số nhiều kiểu bơi như: bơi ngửa, bơi ếch, bơi xải, bơi bướm…thì kiểu bơi ếch là thông dụng và được nhiều người đăng ký tham gia học nhất. “Đây không chỉ là kiểu bơi dễ học mà còn là kiểu bơi giúp người học đáp ứng được với những tai nạn đáng tiếc xảy ra, bởi kiểu bơi này mất ít sức hơn rất nhiều so với các kiểu bơi khác”, HLV Huy Hoàng cho biết.
Đối với những người mới học bơi, HLV Huy Hoàng hướng dẫn cần phải thực hiện một số các bước cơ bản nhất. Thứ nhất người học bơi cần phải khởi động trước với các động tác như thả lỏng người, xoay các khớp tay chân, cổ …thật nhuần nhuyễn.
Bước tiếp theo là cho trẻ làm quen với nước và học các động tác như quoặt tay ếch (có thể hướng dẫn trên cạn) và tập đạp chân ếch bằng cách cầm vào ván bơi…Một điều vô cùng quan trọng nữa đó chính là dùng các dụng cụ hỗ trợ như phao bơi, áo phao để giúp người học bơi làm quen với nước không sợ sệt và học nhanh hơn.
Bước tiếp theo là phối hợp các động tác bơi ếch giữa tay và chân ở dưới nước. Với những người mới học bơi, bước này cần phải có sự giám sát của huấn luyện viên cũng như các dụng cụ hỗ trợ như ván bơi, phao bơi, áo bơi và tập dần từ bể nước nông, sau đó là ra bể sâu dần.
HLV Huy Hoàng cho biết thêm, đối với trẻ nhỏ thời gian học bơi cũng như khi đã biết bơi và thực hành các động tác một cách thuần thục thì chỉ cần 60 phút/ngày, dưới sự giám sát của HLV. “Các em làm đúng động tác, có sự giám sát của các HLV và học theo đúng giáo án, chỉ cần 4 ngày là các em có thể tự bơi mà không cần các dụng cụ hỗ trợ”, HLV Huy Hoàng cho biết.
Dưới đây là quy trình học bơi ếch, qua sự hướng dẫn của HLV Huy Hoàng và bé Nguyễn Hoàng Yến thực hiện:
HLV Phạm Huy Hoàng hướng dẫn học sinh khởi động trước khi học bơi. Việc khởi động trước khi tập bơi không chỉ giảm nguy cơ chuột rút mà còn giúp trẻ tăng cường sức dẻo dai. |
Bé Nguyễn Hoàng Yến chăm chú thực hiện các bài tập khởi động. |
Hướng dẫn các quặt tay ếch trên can cho trẻ làm quen. Việc thực hiện các động tác phải đúng hướng dẫn và kỹ thuật. |
Động tác đạp chân ếch phải được hướng dẫn dưới nước. Học sinh cầm vào ván bơi, dưới sự hướng dẫn của HLV để tập động tác đạp chân ếch. |
Cách lấy hơi khi bơi ếch cũng phải đúng kỹ thuật theo đúng nhịp, điều này khiến người bơi không mất sức nhiều khi bơi. |
Sau khi thực hiện các động tác thuần thục dưới sự hướng dẫn của HLV và các dụng cụ hỗ trợ, trẻ có thể tự bơi không cần dụng cụ, nhưng vẫn phải có sự giám sát của người hướng dẫn. Với việc thực hiện đúng hướng dẫn, kỹ thuật bé Nguyễn Hoàng Yến đã tự biết bơi ở bể sâu chỉ trong 1 ngày tập luyện. |
(Theo Khám phá)