Nếu như trước đây, khi cần làm thủ tục giấy tờ gì thì người dân xã Tứ Dân (huyện Khoái Châu) đều phải ra tận trụ sở xã thì nay chỉ cần ngồi tại nhà rồi đăng nhập vào ứng dụng định danh điện tử - VneID trên điện thoại và hoàn tất các bước rồi chờ nhận kết quả.
Nhằm nâng cao tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến cấp xã, thời gian qua, xã Tứ Dân đã triển khai tuyên truyền việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện các thủ tục hành chính giúp người dân hiểu và hình thành thói quen nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến khi có nhu cầu giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính. Vì thế hiện nay, người dân trong xã đã dần quen và thấy được nhiều lợi ích khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Được biết, từ đầu năm 2024 đến nay xã đã tiếp nhận và xử lý hơn 350 hồ sơ trực tuyến, 100% đều giải quyết đúng hạn. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong cải cách thủ tục hành chính đã góp phần giúp xã Tứ Dân xây dựng hiệu quả chính quyền điện tử, ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Cùng với việc tích cực xây dựng chính quyền số, nhiều địa phương ở Hưng Yên còn tích cực chuyển đổi số trong phát triển kinh tế nhằm hướng tới nền kinh tế số.
Mô hình chăn nuôi gà siêu trứng rộng 2,4ha của HTX Nguyễn Gia ở thôn Dưỡng Phú (xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động) đã ứng dụng chuyển đổi số trong nhiều khâu từ sản xuất đến tiêu thụ. Với hệ thống chuồng trại khép kín, được trang bị hệ thống máy móc hiện đại, tự động hóa; đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng con giống, chế độ dinh dưỡng, vệ sinh phòng dịch,… nên đảm bảo những yêu cầu khắt khe, theo chuẩn VietGAP.
Hiện sản phẩm trứng gà của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao và được gắn mã QR truy suất nguồn gốc. Sản phẩm được đẩy mạnh tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử, đem lại doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm cho các hộ thành viên.
Năm 2016, xã Chính Nghĩa được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở Hưng Yên. Tiếp nối thành công đó, xã đã và đang tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa công nghệ vào trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế hộ gia đình và nâng cao hiệu quả kinh tế của địa phương.
Không chỉ tích cực xây dựng chính quyền số, chuyển đổi số trong phát triển kinh tế hướng tới nền kinh tế số, nhiều địa phương ở Hưng Yên còn tập trung xây dựng thôn, xóm thông minh.
Kể từ khi thôn Lương Xá (xã Hiệp Cường, huyện Kim Động) trở thành khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu thì bộ mặt làng xóm thôn quê của người dân nơi đây đã bước sang trang mới.
Trước đây, mỗi lần có văn bản hay công việc thì lãnh đạo thôn phải lên tận UBND xã để nhận, nhưng từ ngày thực hiện chuyển đổi số thì chỉ vào nhóm Zalo của xã là có thể nhận được các thông báo.
Hiện nay, hầu hết các gia đình trong thôn đều có Internet, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt hơn 90%. Cùng với việc quản lý, điều hành qua hệ thống truyền thanh, thôn đã thành lập các nhóm cư dân trên Zalo, Facebook… kịp thời thông báo tình hình, những kết quả đạt được về kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng nổi bật lên nhóm để nhân dân nắm bắt.
Điều đáng nói là, kể từ khi xây dựng thôn thông minh, đời sống tinh thần và nhận thức của người dân đã có những tiến bộ và thay đổi rõ nét. Hệ thống đường liên thôn, liên ngõ đều được thảm bê tông. Nhất là từ ngày thôn lắp đặt hệ thống camera an ninh hoạt động 24/24 ở tất cả các khu vực trọng yếu như trường học, trạm y tế, chợ… thì tình hình an ninh trật tự trong thôn luôn bảo đảm.
Phó Chủ tịch UBND xã Hiệp Cường Vũ Văn Thức cho biết, sau khi triển khai thực hiện thôn thông minh, Lương Xá đã đạt được nhiều kết quả. Thời gian tới, xã Hiệp Cường sẽ nhân rộng mô hình thôn thông minh tới các thôn còn lại trong xã.
Hiện nay việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới của Hưng Yên nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo của tỉnh Hưng Yên, hết năm 2023, Hưng Yên có 102 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 153 khu dân cư được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2024, Hưng Yên phấn đấu có thêm 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2024; có thêm từ 10-15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đưa tỷ lệ các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu lên trên 30%; phấn đấu có từ 1 đến 2 huyện hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao. |