Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (viết tắt là Luật) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Căn cứ quy định của Luật, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và chỉ đạo của Bộ Công Thương, UBND tỉnh, Sở Công Thương tỉnh Hưng yên đã ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đến UBND các huyện, thị xã, thành phố; phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thị xã, phòng Kinh tế thành phố.
Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2022, Sở Công Thương tỉnh đã chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia và Luật An toàn thực phẩm (ATTP) thông qua nhiều hình thức tổ chức phong phú, đa dạng.
Theo đó, ban hành các công văn tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia tuân thủ nghiêm các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống tác hại của rượu, bia; Hướng dẫn người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm thực phẩm, rượu, bia an toàn trong các dịp Tết, tháng Hành động vì ATTP hàng năm;
Tổ chức hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về ATTP cho cán bộ, công chức, viên chức của Sở, UBND cấp huyện và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, rượu, bia trên địa bàn tỉnh;
Treo băng rôn, khẩu hiệu hưởng ứng công tác ATTP tại trụ sở cơ quan và một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, rượu, bia vào các dịp Tết, Tháng hành động vì ATTP; trong đó có khẩu hiệu về phòng chống tác hại của rượu, bia, đảm bảo thiết thực và hiệu quả.
Các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể quan tâm chỉ đạo
Trong 3 năm từ 2020 – 2022, Sở Công Thương Hưng Yên đã chủ động triển khai thực hiện Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia trong lĩnh vực quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia với một số nội dung.
Cụ thể như, thường xuyên đôn đốc Phòng Kinh tế & Hạ tầng UBND huyện, phòng Kinh tế thành phố/ thị xã quản lý chặt chẽ việc cấp phép sản xuất rượu nhằm mục đích kinh doanh. Quản lý quy trình sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng, ATTP và nhãn hàng hóa đối với rượu, bia theo quy định của pháp luật về phòng chống tác hại của rượu, bia;
Phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền về phòng, chống tác hại của rượu bia; tôn vinh các tổ chức, cá nhân có sáng kiến và thành tích xuất sắc trong các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tác hại của rượu bia tại cơ quan, đơn vị và cộng đồng;
Tham mưu, quản lý cấp phép kinh doanh rượu, bia; ATTP trong kinh doanh; khuyến mại; tài trợ; ghi nhãn sản phẩm; địa điểm, đối tượng, phương thức không được bán rượu, bia; việc mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ đảm bảo tuân thủ khoảng cách theo quy định tại Khoản 7 Điều 32 Luật Phòng, chống chống tác hại của rượu, bia;
Hàng năm, Sở Công Thương đều xây dựng Kế hoạch kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP tại các cơ sở trên địa bàn tỉnh. Trong đó có lồng ghép nội dung kiểm tra việc các thực hiện quy định của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia trong lĩnh vực quản lý quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu, bia đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia.
Kết quả cho thấy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, bia cơ bản chấp hành tốt các quy định của pháp luật về ATTP và kinh doanh rượu;
Công tác triển khai thực hiện được các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể quan tâm chỉ đạo; các phòng, đơn vị chuyên môn liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện có hiệu quả;
Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATTP, tác hại của rượu bia đã đạt được những kết quả nhất định trong việc thay đổi nhận thức và hành vi của người quản lý sản xuất, kinh doanh rượu bia và người sử dụng trên địa bàn tỉnh;
Các hồ sơ thông báo/đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại đối với các sản phẩm rượu, bia thực hiện khuyến mại tuân thủ quy định.
Nâng cao chất lượng chuyên môn nguồn nhân lực
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, bất cập.
Đó là, đa số cơ sở sản xuất rượu thủ công có quy mô nhỏ, hoạt động không thường xuyên, nằm rải rác trên địa bàn rộng do đó khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát.
Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh bán buôn, bán lẻ rượu chưa chấp hành nghiêm túc về thực hiện chế độ báo cáo định kỳ hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, gây khó khăn trong công tác tổng hợp, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu.
Một số đơn vị thực hiện chương trình khuyến mãi không có trụ sở làm việc tại tỉnh, một số chương trình đã bắt đầu thực hiện trước khi thông báo thực hiện khuyến mãi được Sở Công Thương tiếp nhận, xử lý... Do đó, việc quản lý, theo dõi các hoạt động khuyến mãi gặp nhiều khó khăn.
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập trên, Sở Công Thương Hưng Yên đưa ra một số phương hướng.
Trước hết là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến tới toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh về Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Từ đó nhằm nâng cao nhận thức, định hướng hành vi, thay đổi thói quen để phòng, chống tác hại của rượu bia đối với sức khỏe con người, gia đình, cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự, an toàn xã hội.
Thứ 2, tiếp tục thực hiện công tác nâng cao chất lượng chuyên môn nguồn nhân lực phục vụ công tác quản lý nhà nước về ATTP, rượu, bia. Chú trọng các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia của y tế cơ sở và ở cộng đồng.
Cùng với đó, tiếp tục rà soát, tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi bổ sung, hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật về ATTP và phòng chống tác hại của rượu, bia;
Chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường các biện pháp kiểm soát, kiểm tra điều kiện kinh doanh rượu, bia sản xuất trong nước, rượu, bia nhập khẩu; phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, nhập lậu và không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn.