Công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của các cơ quan nhà nước luôn được chú trọng. Thời gian qua, ngoài ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng, UBND tỉnh cũng chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng ATTT cho các cơ quan Nhà nước. Trong đó, chú trọng đầu tư, nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn thông tin, phục vụ triển khai các hệ thống thông tin và phần mềm cho các cơ quan đơn vị như trang bị các thiết bị an toàn, bảo mật cho Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh.
Số liệu cụ thể từ Sở TT&TT Hưng Yên cho thấy, trên 1.500 máy tính của các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố đã được trang bị phần mềm diệt virus bản quyền.
Công tác đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về an toàn thông tin cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước lĩnh vực CNTT, cán bộ chuyên trách về CNTT tại các cơ quan, đơn vị được quan tâm thường xuyên.
Hàng năm, Sở TT&TT tổ chức đào tạo an toàn, bảo mật thông tin cho cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về CNTT trên địa bàn tỉnh, đồng thời cử một số cán bộ tham gia các khóa học chuyên sâu về đảm bảo an toàn thông tin do Cục An toàn thông tin tổ chức.
Tuy nhiên, theo đánh giá, quá trình triển khai đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn. Trong đó phải kể đến nguồn ngân sách chi cho CNTT hàng năm và ngân sách cho công tác an toàn thông tin còn hạn chế.
Công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin còn chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thông tin vẫn đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện; chưa xây dựng được các quy chuẩn quốc gia trong lĩnh vực an toàn thông tin.
Một số cán bộ, công chức chưa nhận thức rõ việc đảm bảo an toàn thông tin trong công việc; một số quy định về công tác văn thư, lưu trữ còn gây khó khăn cho việc sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số trong việc triển khai ứng dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ cho các cơ quan Đảng và Nhà nước…
Theo đó, để đảm bảo công tác ATTT hiệu quả, Hưng Yên chú trọng đầu tư đồng bộ các yếu tố: con người, chính sách và công nghệ về an toàn thông tin. Cụ thể là phải có những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt nhằm thu hút được những cán bộ, chuyên gia về CNTT và an toàn thông tin vào làm việc tại các cơ quan nhà nước; Có chế độ đãi ngộ đặc thù đối với cán bộ, công chức, viên chức hiện đang làm về CNTT; Tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ về an toàn thông tin, trang bị các kỹ năng cơ bản và nâng cao cho đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT trong các cơ quan nhà nước;
Xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch để hoàn thiện hành lang pháp lý về đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; Xây dựng kế hoạch, phương án ứng cứu sự cố đảm bảo an toàn thông tin mạng trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, thành lập Đội ứng cứu sự cố máy tính bảo đảm an toàn thông tin của tỉnh để thường xuyên tổ chức các chương trình diễn tập ứng cứu sự cố máy tính. Cùng với đó, tăng cường kinh phí cho hoạt động bảo mật, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật về an toàn thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh (trang bị thiết bị tường lửa, thiết bị cảnh báo, phòng chống truy cập trái phép, thiết bị lưu trữ, an toàn dữ liệu).
Xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh theo tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu để phục vụ triển khai các hệ thống thông tin và phần mềm cho các cơ quan, đơn vị. Triển khai các giải pháp an toàn thông tin như việc ứng dụng chữ ký số, chứng thư số, xác thực người dùng trong các hệ thống thông tin và trong hoạt động trao đổi, gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan nhà nước; Xây dựng hệ thống giám sát an toàn thông tin trên hệ thống CNTT trọng yếu, phối hợp thực hiện đánh giá an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin, đồng thời quét lỗ hổng, bảo mật để có biện pháp khắc phục, tăng cường độ an toàn, bảo mật và ổn định của hệ thống thông tin.