Xã Hưng Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh nằm ven sông Cổ Chiên, có diện tích tự nhiên trên 2.793ha, trong đó, có 1.666ha đất nông nghiệp. Xã có 08 ấp, có 01 ấp cù lao Cồn Cò nằm giữa sông Cổ Chiên.
Từ khi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014, tình hình kinh tế - xã hội của Hưng Mỹ phát triển theo hướng tích cực. Đặc biệt là chuyển đổi số gắn với cải cách hành chính, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong tiến trình xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngày 16/6/2023, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hưng Mỹ vinh dự đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới nâng cao năm 2022 theo Quyết định số 818/QĐ-UBND (29/5/2023) của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh.
Đến tháng 5/2024, huyện Châu Thành tổ chức lễ công bố Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh công nhận xã Hưng Mỹ đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục năm 2023.
Để xây dựng thành công xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã Hưng Mỹ nâng chất và giữ vững 19/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 – 2025; thu nhập bình quân đầu người của xã tăng hơn 10% so với quy định. Đồng thời, đạt 04 tiêu chí bắt buộc và 01 tiêu chí lựa chọn xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Xã đã lựa chọn ấp Ngãi Hiệp xây dựng 01 mô hình ấp thông minh, có 107 hộ trồng rau an toàn các loại với diện tích 42,05 ha, các hộ trồng rau sử dụng hệ thống tưới tự động hóa, các công đoạn giúp người dân tiết kiệm nước và chi phí sản xuất.
Tỷ lệ người dân thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt 100%. Hợp tác xã Nông nghiệp, thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng ứng dụng truy suất nguồn gốc đối với sản phẩm gạo “Hạt ngọc Châu Long”. Đất cây xanh công cộng sử dụng tại điểm dân cư nông thôn bình quân 6,01 m2/người. Xã có dịch vụ công cung cấp ở mức độ 4, giải quyết hồ sơ trực tuyến đạt 92,12%.
Được UBND huyện Châu Thành chọn loại hình nổi trội nhất về lĩnh vực giáo dục, xã Hưng Mỹ thành lập mô hình giáo dục môi trường thông qua các hoạt động thường xuyên, như thực hiện phân loại rác trong trường học, xử lý rác đảm bảo môi trường sạch sẽ và giáo dục học sinh ý thức giữ gìn cảnh quan. Cộng đồng học tập của xã Hưng Mỹ được UBND huyện đánh giá, xếp loại tốt.
Đẩy mạnh triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, xã tăng cường rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết cấp xã. Xây dựng quy trình, báo cáo Sở Thông tin và Truyền thông, Viễn thông Trà Vinh tích hợp 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện để triển khai tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến.
Phối hợp các ngành, đoàn thể, Ban Nhân dân các ấp tiếp tục triển khai, hướng dẫn người dân tạo tài khoản và sử dụng Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, hỗ trợ người dân thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến. Nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận Một cửa, chất lượng giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính của công chức thuộc UBND xã, đảm bảo tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của xã đạt tối thiểu 60%.
Triển khai và phát động các doanh nghiệp tham gia đánh giá xác nhận mức độ chuyển đổi số trên Cổng thông tin chỉ số chuyển đổi số doanh nghiệp (dbi.gov.vn) từ 90% trở lên và tối thiểu 30% doanh nghiệp áp dụng ít nhất 01 nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Địa phương còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, điều hành; đặc biệt là quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn và các lĩnh vực kinh tế, y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường, an ninh trật tự để tạo sự đồng bộ, thống nhất và liên thông trong hệ thống chính quyền.
Bên cạnh đó, xã thiết lập trang thông tin điện tử riêng, tăng cường sử dụng công nghệ số trong công việc, giao tiếp, tương tác với người dân thông qua loa truyền thanh thông minh không dây, thiết lập kênh giao tiếp trên điện thoại thông minh, hội thoại nhóm như Zalo, Facebook, group mail… để tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân, quảng bá hình ảnh, các nét văn hóa đặc trưng địa phương. Đồng thời tiếp nhận ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong các khâu sản xuất nông nghiệp, giám sát thời tiết, chăm sóc cây trồng, vật nuôi và tiếp cận thị trường, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu cho nông sản, dịch vụ du lịch trên môi trường mạng…