{keywords}

Đây là nghi lễ nằm trong kế hoạch tổ chức các nghi lễ truyền thống mùa thu tại khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc.

Do điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên nghi lễ được thực hiện rút gọn gồm phần khóa lễ, chính kinh, hồi hướng; không dựng tháp cầu an, không thả hoa đăng và không bắn pháo hoa.

Trước đó, tại nội tự Kiếp Bạc, các nhà sư tổ chức cúng thỉnh chư Phật, chư Thánh, Hội đồng Trần Triều và hành lễ từ đền Kiếp Bạc đến địa điểm cầu an.

{keywords}

Sông Lục Đầu rất đặc biệt trên một vùng “địa linh, nhân kiệt” của đất nước ta. Sử sách lưu truyền, “Lục Đầu vô thuỷ bất thu thanh” (ý nói không có giọt nước nào ở sông Lục Đầu không rên rỉ tiếng kêu than của quân giặc) do thời xa xưa, đây là cửa ngõ đường thuỷ để tiến vào thành Thăng Long nên sông Lục Đầu còn giữ vị trí phòng thủ hiểm yếu “lục long tranh châu”.

Do vị trí hiểm yếu, trong lịch sử, Lục Đầu Giang đã nhiều lần là nơi diễn ra những trận quyết chiến với quân xâm lược, tiêu biểu là trận Vạn Kiếp, năm 1285, nơi 20 vạn quân nhà Trần với hơn 1.000 chiến thuyền đã chiến đấu chống 30 vạn quân Nguyên, bảo vệ bờ cõi Đại Việt.

{keywords}

Bến Bình Than, ngay đầu nối bốn con sông mang tên chữ Đức đó, đã diễn ra hội nghị quân sự (năm 1282), nguyện ý chí với hai chữ “Sát Thát” được chích trên cánh tay các chiến binh. Họ thề sẽ chôn vùi xác giặc dưới dòng sông này.

Cũng trên bến nước Bình Than này, Trần Quốc Toản đã bóp nát quả cam vì không được vào dự hội nghị bàn việc nước; về quyết triệu tập gia nhân dấy nghĩa dưới lá cờ thêu sáu chữ vàng.

Cũng tại đây, tướng Trần Khánh Dư được phục chức; ngay sau đó ông đã nhấn chìm đoàn thuỷ quân Nguyên Mông ở cửa Vân Đồn; làm nên một chiến thắng quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông.

Tại khúc sông này, để đẩy lùi cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn đã lệnh hội 20 vạn quân, bày và duyệt thế trận chặn đánh giặc, cùng quân và dân ca khúc khải hoàn.

“Một trận đánh tan tác vạn quân Nguyên. Ngàn thuyền chiến chìm dưới Lục Đầu Giang dậy sóng”. Đó là hình ảnh của cánh đồng Vạn Kiếp, nằm chìm dưới lòng sông, nơi chôn xác kẻ thù.

Trận địa Kiếp Bạc lưu danh muôn thuở bởi đến cuộc xâm lăng lần thứ ba (2/1288), giặc Nguyên vẫn bị quân và dân Đại Việt đánh tơi bời, thua tan tác.

Sau khi tướng giặc- Ô Mã Nhi bị bắt sống trên sông Bạch Đằng. Chúng vội thu quân về Vạn Kiếp rồi tháo chạy về phương Bắc (4/1288). Chiến địa nơi đây đã dập tắt âm mưu xâm lược nước ta của quân Nguyên.

{keywords}

Sông Lục Đầu là yết hầu của 4 dòng chảy: sông Thương, sông Cầu, sông Lục Nam và sông Đuống. Tại đây 4 dòng sông nhập vào hai con sông Kinh Thầy và sông Thái Bình, đưa phù sa bồi đắp đồng bằng, đưa nước về với biển.

Hơn 700 năm đã trôi qua, dòng Lục Đầu vẫn hào hùng, vẫn đảm trách sứ mệnh gắn kết những vùng đất, miền văn hoá và quy tụ nhân tâm như thủa xa xưa.

Từ triền đê nơi bến Bình Than xưa, có thể nhìn thấy đỉnh Côn Sơn, chốn ẩn dật tu tâm dưỡng tính của nhiều văn nhân trí thức: Chu Văn An, Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi. Ngoài Yên Tử và Quỳnh Lâm, chùa Côn Sơn cũng là một trung tâm của thiền phái Trúc Lâm thời Trần.

{keywords}

Dưới chân Côn Sơn là Kiếp Bạc. Đền Kiếp Bạc thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nằm sát sông Lục Đầu. Đền được xây dựng ở trung tâm của thung lũng Kiếp Bạc, trên một khu đất có diện tích khoảng 13.5km2. Đền quay về hướng Tây Nam, nhìn ra sông Lục Đầu, gồm các hạng mục kiến trúc: trạm hạ mã, đường thần đạo, nghi môn, sân đền, tả hữu thành các, giếng mắt rồng, tắc môn, nhà giải vũ, đền chính. Đền chính được dựng theo dạng “tiền nhất, hậu đinh”, gồm tiền tế, trung từ và hậu cung.

Trước cửa đền Kiếp Bạc, trên sông Lục Đầu,  có một cồn cát chạy dài, gọi là Cồn Kiếm. Tương truyền, đây là nơi Trần Hưng Đạo thả kiếm xuống sông khi đất nước thái bình.

Cách đền Kiếp Bạc 800m về phía đông bắc là Sinh Từ. Để ghi nhớ công lao to lớn của Hưng Đạo vương, vua Trần Nhân Tông đã cho xây dựng đền thờ ngay khi Hưng Đạo vương còn sống, nên được gọi là Sinh từ. Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã đích thân viết văn bia ca ngợi công lao của Hưng Đạo Vương. Thật tiếc, đến nay, Sinh từ chỉ còn lại phế tích.

Sông Vang - Xưởng Thuyền là di tích nằm trên cánh đồng Vạn Yên, cách đền Kiếp Bạc 1km về phía Bắc. Tương truyền, Trần Hưng Đạo đã cho quân sỹ đào sông Vang ở trung tâm đại bản doanh, để làm đường thủy trong khu vực nội địa của Thái ấp Vạn Kiếp. Tại sông Vang, Trần Hưng Đạo đã cho xây dựng Xưởng Thuyền để đóng, sửa chữa và cất giấu thuyền chiến. Hiện nay, hai di tích này chỉ còn dấu vết khá mờ nhạt.

Nằm dưới chân núi Bắc Đẩu, cách đền Kiếp Bạc 500m về phía Bắc là Hang Tiền. Tương truyền, đây là nơi cất dấu ngân khố của Phủ đệ Trần Hưng Đạo để phục vụ kháng chiến. Hang Tiền rộng khoảng 1ha. Tại khu vực này còn dấu tích các vòm hầm đào vào núi, cao 1,5m, rộng 1,3m.

{keywords}

Cách đền Kiếp Bạc 2km về phía Đông Nam là Hố Thóc- địa điểm tương truyền từng là nơi cất giữ lương thảo. Cũng như sinh từ, hiện di tích đã bị hư hại, chỉ còn lại phế tích.

Nằm trên gò đất nhỏ, cách đền Kiếp Bạc khoảng 300m về phía Đông Nam, Viên Lăng được thiết kế hình tròn. Tương truyền, Trần Hưng Đạo được an táng ở đây.

Trải qua trên 700 lịch sử, tại khu di tích này, các lễ hội truyền thống gắn với khu di tích vẫn được duy trì, có sức thu hút đặt biệt, trở thành nhân tố không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tâm linh của cộng đồng.

Hàng năm, hội Côn Sơn (gắn với Trúc Lâm đệ tam Tổ - Huyền Quang) được bắt đầu từ rằm tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng Giêng... Lễ hội đền Kiếp Bạc (gắn với ngày giỗ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn) được tổ chức từ ngày 16 tháng 8 và kết thúc vào ngày 20 tháng 8 (Âm lịch) hàng năm... Ngoài ra, trong khu vực di tích còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật của nhiều thời kỳ lịch sử, có giá trị độc đáo.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của khu di tích, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Côn Sơn - Kiếp Bạc là di tích quốc gia đặc biệt (Quyết định số 548/QĐ-TTg, ngày 10/5/2012).

Hoàng Hiệp, Thế Long, Bích Hạnh

16/11/2021 18:03