Nhiệm vụ nêu trên là một trong 16 nhiệm vụ chủ yếu vừa được Bộ trưởng Bộ TT&TT giao Cục Tin học hóa chủ trì thực hiện trong năm nay, tại Chỉ thị 01 về định hướng phát triển ngành TT&TT năm 2020.
Huế, Quảng Ninh, Hải Dương xây dựng tỉnh điểm về Chính quyền điện tử
Cùng với nhiệm vụ triển khai tỉnh điểm về Chính quyền điện tử tại Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh và Hải Dương, trong năm 2020 Cục Tin học hóa còn được người đứng đầu ngành TT&TT yêu cầu cần thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu khác như: xây dựng Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng chiến lược quốc gia về dữ liệu; xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mã định danh điện tử của các cơ quan, tổ chức; triển khai Nghị quyết về quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; xây dựng phương án triển khai Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia…
Quảng Ninh là 1 trong 3 địa phương được chọn để triển khai điểm về Chính quyền điện tử, cùng với Thừa Thiên Huế và Hải Dương (Ảnh minh họa) |
Cũng tại Chỉ thị 01 mới ban hành, với lĩnh vực ứng dụng CNTT, Bộ TT&TT đã nêu rõ mục tiêu trong năm 2020 là đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.
Cùng với việc thực hiện tốt vai trò điều phối thống nhất về phát triển Chính phủ điện tử trong khi vẫn phát huy sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương, trong năm nay, Bộ TT&TT cũng tập trung để hoàn thành các mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2025, đặc biệt là với các mục tiêu đảm bảo an toàn, an ninh mạng, kết nối chia sẻ dữ liệu và dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Cụ thể, phấn đấu đạt tỷ lệ 100% bộ, ngành, địa phương có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh - LGSP; 100% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; và đạt tỷ lệ 30% dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 4.
Đồng thời, sẽ sơ kết chương trình thí điểm đô thị thông minh, cấu phần CNTT nhất là việc thí điểm triển khai trung tâm giám sát điều hàn đô thị thông tin, từ đó ban hành các hướng dẫn triển khai, tránh làm theo phong trào, không hiệu quả và lãng phí.
8 nhiệm vụ ưu tiên triển khai
Lý giải rõ hơn về sự cần thiết phải triển khai Bộ điểm, tỉnh điểm về Chính phủ/ Chính quyền điện tử, Cục Tin học hóa cho biết, Nghị quyết 17 của Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử đã đặt ra nhiều mục tiêu cần hoàn thành trong năm 2020, trong khi những tồn tại trong triển khai Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử của các bộ, ngành, địa phương chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Vì thế, nếu không có cách làm mới sẽ không thể thực hiện được các nhiệm vụ Chính phủ giao.
“Việc áp dụng cách làm mới, thí điểm các giải pháp, cơ chế để triển khai nhanh, hiệu quả Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử hiện nay là cần thiết. Để thực hiện điều này và hướng tới sự đồng bộ, thống nhất giữa các địa phương cần có một mô hình chung. Mô hình điển hình Chính quyền điện tử cấp tỉnh được xây dựng, thí điểm triển khai để hoàn thiện, phổ biến cho các địa phương trên cả nước”, Cục Tin học hóa cho hay.
Được biết, trong tháng 11/2019, Cục Tin học hóa đã có hướng dẫn về triển khai mô hình điển hình Chính quyền điện tử cấp tỉnh, với mục đích làm làm thí điểm một số nhiệm vụ hướng tới xử lý các vướng mắc chủ yếu của phát triển Chính phủ điện tử, trong đó hỗ trợ địa phương cơ bản hoàn thành trước thời hạn 9 – 12 tháng các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử tại Nghị quyết 17 ngày 7/3/2019.
Đồng thời, triển khai mô hình điển hình Chính quyền điện tử từ đó đưa ra cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn để triển khai Chính phủ điện tử trên phạm vi cả nước; hoàn thiện mô hình mẫu để phổ biến cho các địa phương khác tham khảo, áp dụng; đánh giá, xem xét việc triển khai nhân rộng; thử nghiệm một số cơ chế, chính sách, giải pháp triển khai Chính quyền điện tử mới.
Cũng theo Cục Tin học hóa, căn cứ mô hình điển hình Chính quyền điện tử cấp tỉnh, UBND tỉnh áp dụng thí điểm chủ động phối hợp với bộ, ngành, các cơ quan liên quan, các doanh nghiệp CNTT để xác định nguồn lực, xây dựng lộ trình, cơ chế và giải pháp triển khai hiệu quả, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Tám nhiệm vụ được Cục Tin học hóa khuyến nghị các địa phương ưu tiên triển khai để hoàn thành Chính quyền điện tử cấp tỉnh gồm có: Kho dữ liệu danh mục dùng chung; Tích hợp hệ thống theo dõi và báo cáo các chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; Phát triển môi trường làm việc cộng tác cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh; Thiết lập kho dữ liệu dùng chung của địa phương;
Xây dựng cơ sở dữ liệu người dùng phục vụ phát triển Chính quyền điện tử và đô thị thông minh, tích hợp với các cơ sở dữ liệu dân cư, cơ sở dữ liệu doanh nghiệp và các cơ sở dữ liệu liên quan; Hoàn thành quy hoạch hạ tầng kỹ thuật phục vụ Chính quyền điện tử và đô thị thông minh; Triển khai trung tâm giám sát, xử lý sự cố an ninh, an toàn thông tin (SOC).