Thực hiện Quyết định số 1230/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ, Thừa Thiên Huế đã thực hiện nhiều giải pháp trọng điểm.
Song song đó, tỉnh tập trung nguồn lực để xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xác định xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế.
Trên cơ sở Nghị quyết số 54-NQ/TW, nhiều chính sách, nhiều kế hoạch phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đã được ban hành nhằm khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa, sức mạnh con người Huế chung tay bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên đất cố đô, xây dựng một thành phố Huế vừa cổ kính, vừa hiện đại.
Thừa Thiên Huế là nơi hiếm hoi còn lưu giữ được hệ thống lớn các cung điện, thành quách và lăng tẩm nguy nga; cũng là địa phương duy nhất ở Việt Nam, khu vực Đông Nam Á có 8 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh ở nhiều hạng mục.
Do đó trong công tác bảo tồn phải luôn tuân thủ các yêu cầu rất nghiêm ngặt là vừa phải bảo vệ tổng thể di tích bao gồm bảo vệ các công trình kiến trúc gắn liền với bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ di sản văn hoá vật chất đi đôi với bảo vệ và phát huy những giá trị văn hoá tinh thần.
Điển hình như Di tích Cố đô Huế. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và sự giúp đỡ có hiệu quả của các chuyên gia cùng cộng đồng quốc tế, công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai và thực hiện đạt nhiều kết quả rất đáng tự hào.
Hàng trăm công trình di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi. Nhiều công trình lớn, có giá trị tiêu biểu cả về lịch sử và nghệ thuật. Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng nghiên cứu bảo tồn một cách bài bản và phát huy một cách hiệu quả.
Tỉnh đã di chuyển các nhà máy, xí nghiệp, công sở ra khỏi khu vực Kinh thành; di dời dân cư sinh sống trên Thượng thành và tái định cư dân vạn đò sông Hương để bảo đảm tính nguyên vẹn của di sản. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đầu tư cơ sở vật chất, phục vụ du lịch. Hỗ trợ và tạo điều kiện hoàn chỉnh hệ thống bảo tàng, làm phong phú hóa các thiết chế văn hóa của Cố đô Huế.
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế đã tôn tạo, trùng tu hệ thống di tích lịch sử một cách toàn diện, có hệ thống. Đến nay, đã có hơn 200 công trình, trong đó có các công trình tiêu biểu Lầu Kiến Trung, Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, các lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, lăng vua Đồng Khánh đã được tu bổ, phục dựng…
Công tác bảo tồn, tu bổ di tích là một công việc phức tạp có quan hệ đến nhiều lĩnh vực khoa học và công nghệ. Vì vậy, công tác bảo tồn, tu bổ di tích đòi hỏi phải được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ, tuân thủ nghiêm túc các Công ước và Hiến chương quốc tế mà Chính phủ đã thừa nhận và các quy định của pháp luật.
Công cuộc bảo tồn, trùng tu di tích Huế, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, tôn tạo cảnh quan môi trường tại khu di sản Huế luôn được chú trọng và gắn liền với việc đẩy mạnh trao đổi hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn tiên tiến của thế giới và phát triển nguồn nhân lực địa phương.
Bên cạnh đó, nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng, nhiều lễ hội văn hóa đặc sắc đã được sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng thành công. Tỉnh đã tổ chức thành công các kỳ Festival Huế với quy mô quốc tế, góp phần nâng cao vị trí về chính trị, văn hóa và du lịch, thúc đẩy mở rộng quan hệ ngoại giao và hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế ở khu vực và quốc tế.
Tỉnh tập trung xây dựng Huế thành Kinh đô Ẩm thực, Kinh đô Áo dài Việt Nam; nâng cao chất lượng dịch vụ Ca Huế; triển khai thực hiện Đề án Festival bốn mùa. Đồng thời, phát huy giá trị phố cổ, đô thị cổ, nhà rường, nhà vườn, làng cổ gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Có thể thấy, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo đảm hài hòa giữa hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển kinh tế, xã hội. Qua đó, địa phương vừa có thể bảo vệ một cách tốt nhất những di sản văn hóa, đồng thời khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của di sản văn hóa, tạo động lực phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế du lịch.
Diệu Bình