Nhân viên Huawei tiến về phía nhà ăn tại trụ sở Thâm Quyến hôm 22/5. Ảnh: Bloomberg |
Bước qua cánh cổng dẫn vào trụ sở rộng lớn của Huawei tại miền nam Trung Quốc, bạn sẽ chứng kiến không khí lao động điên cuồng. Những xe tải nhỏ màu xanh neon chở nhân viên từ văn phòng này đến văn phòng nọ, đèn sáng suốt đêm và căng-tin mở đến khuya.
Hãng công nghệ lớn nhất thế giới đang theo đuổi cái gọi là “văn hóa bầy sói”. Đặc biệt, khi Huawei phải đối mặt với hàng loạt đòn tấn công từ phía chính quyền Trump, văn hóa này càng được đẩy mạnh. Ngày 17/5, Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào danh sách hạn chế thương mại, cấm mua phần mềm, linh kiện Mỹ nếu không có giấy phép.
Theo nguồn tin của Bloomberg, Huawei đã giao cho khoảng 10.000 lập trình viên làm 3 ca/ngày tại các văn phòng Thượng Hải, Thẩm Quyến và Tây An để loại bỏ nhu cầu sử dụng bảng mạch và phần mềm của Mỹ. Từ người gác cổng đến tài xế, tất cả đều được thông báo về những khó khăn hiện tại và chuẩn bị cho áp lực thị trường, chính trị ngày một leo thang. Huawei từ chối bình luận trừ việc cho biết đã có kế hoạch dự phòng cho các tình huống như thế này.
Một người giấu tên tiết lộ, các kỹ sư trong vài nhóm đã vài ngày chưa về nhà. Trong số các dự án, họ đang nghiên cứu ăng-ten trạm gốc, linh kiện mà các công ty Mỹ như Rogers đang sản xuất và chỉnh sửa thiết kế của toàn bộ trạm gốc 4G để cạnh tranh với Ericsson AB và Nokia.
Một nhóm trưởng giấu tên cho hay: “Đây không phải là câu hỏi chúng tôi có thắng không mà chúng tôi phải thắng”. Anh phụ trách nhóm nghiên cứu chip kết nối. “Đây là trận chiến mà Trung Quốc phải có ngành công nghiệp công nghệ truyền thông độc lập”. Trên diễn đàn trực tuyến dành cho nhân viên Huawei, thông điệp “Chiến binh giáp vàng không bao giờ quay về cho đến khi đánh bại Trump từ Mỹ” được chia sẻ.
Các hành động của chính quyền Mỹ có thể cản bước tăng trưởng thần tốc của Huawei. Công ty hiện là nhà cung cấp thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới và nhà sản xuất smartphone số 2 sau Samsung. Lệnh cấm cũng đe dọa tới các nhà sản xuất chip từ Mỹ tới châu Âu do chuỗi cung ứng toàn cầu rung chuyển. Nó còn có thể làm gián đoạn việc triển khai 5G trên toàn cầu, làm suy yếu tiêu chuẩn đứng sau mọi thứ từ xe tự lái đến robot phẫu thuật.
Ông Trump cho rằng hạn chế là phản ứng cần thiết do Huawei giúp Bắc Kinh gián điệp các chính phủ khác. Từ nhiều năm nay, công ty bị cáo buộc và bị kiện vì đánh cắp bí mật thương mại từ các doanh nghiệp lớn như Cisco và T-Mobile. Trả lời Bloomberg TV ngày 24/5, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi khẳng định chính quyền Trump tấn công họ vì “đang đi trước Mỹ”.
Năm 2018, một công ty Trung Quốc khác là ZTE đã phải “quỳ gối” trước chính phủ Mỹ sau khi nhận lệnh cấm tương tự. ZTE phải nộp tiền phạt cả tỷ đô, thay đổi Ban giám đốc và chấp nhận bị Mỹ giám sát. Huawei đã thề rằng một khi ngày ấy tới, công ty sẽ sẵn sàng. “Sau mỗi con mưa sẽ có cầu vồng. Chúng tôi hi vọng mỗi một người trong các bạn tiếp tục tự tin, cống hiến và làm tròn trách nhiệm”, Huawei viết trong biên bản nội bộ sau khi lệnh cấm được ban hành.
Theo nguồn tin, Huawei đã trữ đủ số chip và linh kiện quan trọng khác để duy trì hoạt động trong ít nhất 3 tháng. Một vài trong số 180.000 nhân viên lạc quan Bắc Kinh có thể giải quyết tranh chấp với Washington. Số khác tự tin chính phủ Trung Quốc sẽ thay đổi về chính sách hoặc vốn để hỗ trợ công ty.
Ngày 17/5, cùng ngày Huawei bị cho vào danh sách đen, Trung Quốc tuyên bố miễn trừ thuế đối với doanh nghiệp phần mềm và thiết kế chip địa phương. Điều đó có nghĩa HiSilicon, bộ phận thiết kế chip của Huawei, sẽ không phải trả đồng thuế nào trong 2 năm tới.
Tuy vậy, sự lo lắng vẫn càn quét qua các văn phòng Huawei từ Tokyo tới Sydney. “Chúng tôi không thể phủ nhận rằng nó có ảnh hưởng tiêu cực khi tin tức xấu về Huawei được đưa hàng ngày”, một trong số họ nói. “Song, nhân viên tại Nhật Bản đã tập hợp lại và cố gắng làm việc như bình thường. Vài khách hàng còn động viên tinh thần chúng tôi”.
Trong khi Huawei sắp xếp lại “quân đội” của mình, Mỹ tiếp tục kêu gọi chính phủ các nước tẩy chay thiết bị của họ. Úc và New Zealand đã làm điều này, Nhật Bản về cơ bản quay lưng với Huawei, còn các nước khác như Anh lại cân nhắc các lựa chọn. Tổng thống Trump nói có thể dỡ bỏ lệnh cấm như một phần trong thỏa thuận thương mại với Trung Quốc song cho đến nay, đàm phán vẫn đang đi vào ngõ cụt. Chris Lane, nhà phân tích của hãng Sanford C. Bernstein nhận định Huawei sẽ tổn thất nhiều nếu lệnh cấm kéo dài quá lâu.