Google đình chỉ một số hạng mục hợp tác với Huawei. Động thái này từ phía Google được cho là "tuân thủ theo sắc lệnh" của Tổng thống Donald Trump.
Trong ngắn hạn, bước đi này từ phía chính phủ Mỹ đã đạt được mục đích khiến người dùng Huawei hoang mang. Tuy nhiên, cả Apple, Qualcomm, Microsoft hay nhiều công ty đa quốc gia khác đến từ Mỹ cũng hoang mang không kém.
Vì khi đấm thì tay cũng đau
Bên cạnh Google, Qualcomm và Intel mới đây cũng tuyên bố sẽ ngừng hợp tác với Huawei. Kể từ sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh ghi tên Huawei vào "danh sách đen", các tập đoàn công nghệ tại Mỹ sẽ không được phép hợp tác với Huawei nữa.
Với thị phần điện thoại đứng thứ 2 toàn cầu, hàng triệu chiếc điện thoại Huawei bán ra mỗi năm cũng góp phần tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận của Intel, Qualcomm hay Google. Năm ngoái, mảng thiết bị tiêu dùng của Huawei mang lại doanh thu 50 tỷ USD cho công ty này.
Nhiều đối tác lớn từ Mỹ quay lưng với Huawei sau khi chính phủ ký sắc lệnh trừng phạt |
Họ đã bán được 208 triệu điện thoại trong năm 2018, khoảng 80 triệu trong số đó bên ngoài Trung Quốc, theo Greengart. Tuân theo sắc lênh, các công ty từ phía Mỹ xem như đã bỏ đi một khách hàng tiềm năng. Bên cạnh đó, những đối tác của họ từ phía Trung Quốc cũng phải dè chừng.
Động thái của Tổng thống Trump và chính phủ Mỹ trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung khiến cho các công ty ở hai quốc gia này tỏ ra thận trọng hơn. Oppo, Xiaomi hay bất kỳ công ty Trung Quốc nào cũng sẽ phải xem xét kĩ hơn trước khi ký những hợp đồng lớn với các công ty Mỹ.
Doanh số giảm chỉ là khó khăn ban đầu. Thái độ từ phía các nhà đầu tư đối với việc lợi nhuận bị ảnh hưởng mới là bài toán đau đầu cho các tập đoàn công nghệ. Đó là lý do sau khi Tổng thống Trump phát động cuộc tẩy chay Huawei, cổ phiếu của các công ty liên quan đều đỏ sàn.
Donald Trump "đấm" Huawei, Apple cũng... méo mặt
Bình luận sau khi Huawei bị đưa vào danh sách cấm, người sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi nói rằng: "chúng tôi đã chuẩn bị cho việc này". Một báo cáo từ Bloomberg cho biết Huawei có lượng chip đủ dùng trong 3 tháng, bên cạnh đó họ cũng đã chuẩn bị trước hệ điều hành của riêng mình.
Tuy nhiên, nếu không có những bước đi đột phá thì tương lai của Huawei vẫn sẽ rất ảm đạm. Tính chất nhạy cảm của thị trường là một thách thức lớn đối với những "thử nghiệm" từ phía Huawei.
Nếu Microsoft cũng đưa ra động thái tương tự như Google, có lẽ sẽ rất khó có khách hàng nào chấp nhận mua một chiếc điện thoại không chạy Android hay iOS, cũng như một chiếc laptop không hỗ trợ Windows.
Huawei vẫn là đại diện cho tinh thần Trung Quốc. Ảnh: AP |
Nhưng phần lớn khách hàng của Huawei là người dân Trung Quốc, thị trường này có tính chất đặc biệt. Sau sự kiện Giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu bị bắt ở Canada vào năm ngoái, người dân và nhiều công ty Trung Quốc đã lên tiếng kêu gọi ủng hộ Huawei trên mạng xã hội và qua các bản hợp đồng lớn.
Tuần này, sau sắc lệnh từ chính phủ Mỹ, khắp các trang mạng xã hội của quốc gia tỷ dân này cũng đã dấy lên một làn sóng tẩy chay Apple. Một người dùng iPhone đã đăng tải trên Weibo rằng: "Tôi cảm thấy thật có lỗi vì vẫn đang dùng iPhone, khi điện thoại của quốc gia mình đang phải chịu thiệt".
Sau bài học về vụ Dolce & Gabbana bị tẩy chay ở Trung Quốc, có lẽ các nhà đầu tư phương Tây cũng phần nào hiểu được tính chất của thị trường này. Huawei có thể bị Google, Qualcomm "chia tay", nhưng cả tỷ người dân ở Trung Quốc cũng sẵn sàng nói không với các sản phẩm công nghệ Mỹ như một cách để thể hiện tình yêu nước.
17% lợi nhuận của Apple đến từ thị trường Trung Quốc, và rất có thể trở thành 0% nếu phong trào tẩy chay lên cao.
Doanh thu giảm chỉ là "một cơn cảm nhẹ" đối với Apple, nhưng thái độ của các nhà đầu tư đối với "cơn cảm nhẹ" này mới là vấn đề thực sự. Về lâu về dài, đây sẽ là vấn đề lớn cho Tim Cook và các đồng nghiệp.
Apple có thị trường lớn tại Trung Quốc nên sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp |
Bên cạnh đó, rất có thể phía Trung Quốc sẽ có động thái trả đũa, mà mục tiêu dễ nhắm đến chính là Apple. Các chuỗi cung ứng, sản xuất cho Apple như Foxconn và các tập đoàn liên quan sẽ gây ảnh hưởng lớn đến công ty này nếu như chính phủ Trung Quốc quyết định "ra tay".
Sẽ không có gì thay đổi hoặc thay đổi rất nhiều
Nền tảng công nghệ của Trung Quốc đã phát triển mạnh mẽ thời gian qua với các công ty lớn chuyên sản xuất phần cứng và phần mềm như HiSilicon... Tuy chưa thể đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn lâu đời như Intel hay Qualcomm, nhưng những sự kiện gần đây có lẽ sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp sản xuất linh kiện.
Chính phủ Mỹ không đơn phương mà còn kêu gọi đồng minh áp đặt lệnh trừng phạt đối với Huawei.
Nhưng giới quan sát cũng nhận định nếu Trung Quốc "xuống nước" sau đòn đánh của ông Donald Trump, câu chuyện sẽ không đi quá xa và mọi thứ sẽ lại đâu vào đấy.
Cuộc chiến này nếu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến kinh tế của cả hai quốc gia nên chưa thể chắc chắn điều gì. Nhưng có lẽ Samsung sẽ đứng vững ở vị trí số một về điện thoại thông minh, trong khi hai đối thủ là Huawei và Apple đang phải chật vật vì mắc kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo Zing
CEO Huawei tiết lộ sắp ra hệ điều hành riêng, thay thế Android
Thông tin do giám đốc điều hành Huawei, Richard Yu, tiết lộ trong một nhóm WeChat riêng. Ông Yu nói, hệ điều hành riêng của Huawei vẫn hỗ trợ các ứng dụng Android.