myGPT là giải pháp huấn luyện dữ liệu riêng của tổ chức và doanh nghiệp thành AI nhằm phục vụ trong các hoạt động hàng ngày. Dữ liệu sau khi huấn luyện thành tri thức AI sẽ nằm trên hệ thống cơ sở dữ liệu dùng riêng được dành để phục vụ trực tiếp cho các ứng dụng nội bộ, các phần mềm tác nghiệp hoặc các phần mềm dịch vụ.
Giải pháp này sử dụng mô hình ngôn ngữ mới nhất đã chứng minh được độ ổn định, được chấp nhận rộng rãi (hiện tại là GPT 3.5 turbo và GPT-4) để huấn luyện cho dữ liệu dùng riêng của các tổ chức và doanh nghiệp. Trong tương lai có thể sử dụng các mô hình khác của Google như LaMDA, PaLM hay Llama 2 của Meta… tuỳ thuộc vào độ chín của mô hình.
Đây là giải pháp có thể tái huấn luyện dữ liệu tri thức AI để cập nhật các kiến thức mới sát theo thực tế hoạt động và nhu cầu phục vụ của doanh nghiệp và tổ chức nhằm phục vụ các mục đích riêng biệt. Có thể huấn luyện lại toàn bộ, huấn luyện hiệu chỉnh từng phần kiến thức hoặc huấn luyện bổ sung cho dữ liệu AI.
Theo ông Tạ Quang Thái, đồng sáng lập myGPT, giải pháp này được ra đời xuất phát từ 2 mô hình kinh doanh của ông và bạn là Rada (ứng dụng gọi thợ sửa chữa) và HomeID (ứng dụng quản lý nhà chung cư), ở các mô hình này đã nghiên cứu đưa AI vào xác định, đánh giá, nhận dạng nhu cầu của người dùng. Tuy nhiên, cả 2 đều gặp khó đó là việc tạo ra một con chatbot để có thể chăm sóc (nói chuyện) khách hàng một cách tự động.
Đến cuối năm 2022, chatGPT ra đời, ông Tạ Quang Thái đã rất ngạc nhiên về việc chatbot này có thể trả lời một cách trơn tru như người, mặc dù lúc đầu còn sai nhiều. Lúc này, ông cùng bạn đã nghĩ đến việc tạo ra một chatbot trả lời khách hàng có khả năng nói chuyện giống như vậy và nếu không có dữ liệu thì tìm cách đưa dữ liệu vào để đáp ứng được các nhu cầu hỏi đáp của khách hàng.
Xuất phát từ những lý do trên, những người sáng lập myGPT đã tìm hiểu rất nhiều về cộng đồng phát triển AI trên thế giới, tiếp cận dần với các dự án nguồn mở về AI đang được phát triển rất nhanh. Đến tháng 3/2023, công ty đã cho ra đời chatbot đầu tiên được đưa vào Rada (ứng dụng gọi thợ sửa chữa). Đây là mẫu chatbot AI được huấn luyện để có thể trả lời người sử dụng các thông tin liên quan đến ứng dụng này như: Các tiêu chuẩn về thợ sửa chữa trên ứng dụng; Cách thức xử lý khiếu nại; Giá thành dịch vụ sửa chữa, lắp đặt, bảo dưỡng các thiết bị gia dụng trong gia đình bao gồm các dịch vụ sau: Giá sửa chữa và lắp đặt điều hoà; Giá sửa chữa tủ lạnh, máy giặt, Tivi; Giá cứu hộ ô tô, xe máy và dịch vụ giúp việc gia đình. Sau đó, chatbot dành cho HomeID cũng ra đời. Ông Tạ Quang Thái cho biết, lúc đầu các chatbot này cũng chưa thông minh như mong muốn và cũng có nhiều khen chê.
Từ 2 chatbot trên, myGPT thấy đây là nhu cầu của doanh nghiệp và đã huấn luyện rất nhiều chatbot khác nhau cho mọi người trải nghiệm. Lúc này, công ty bắt đầu nhận được các yêu cầu đặt hàng với giá trị chi phí nhỏ… vì nhiều doanh nghiệp vẫn nghi ngờ tính hiệu quả. Thời điểm đầu, công ty xác định chi phí to nhỏ không quan trọng và vẫn làm, dù có dự án lỗ. Đến hiện tại, đã có nhiều doanh nghiệp lớn nhìn thấy khả năng và đặt hàng thực hiện.
Về công nghệ, đến thời điểm này, myGPT cũng đã phát triển tương đối tốt, chatbot hiện tại đã trả lời tốt hơn rất nhiều so với các con bot được giới thiệu hồi tháng 3.
Hiện chatbot của myGPT đã được ứng dụng trong một số lĩnh vực như triển khai tư vấn thông tin chạy trực tiếp trên nền các website hoặc các nền tảng chat như Messenger, Instagram, Zalo giúp cho doanh nghiệp và tổ chức có thể tự động trả lời người sử dụng hoặc khách hàng của mình liên quan đến thông tin về sản phẩm, dịch vụ, các chương trình, chiến dịch hoặc các thủ tục, trình tự… Các chatbot được triển khai trên máy chủ của tổ chức hoặc doanh nghiệp. Áp dụng cho các tổ chức có yêu cầu triển khai chatbot với bộ câu hỏi và trả lời lên đến hàng nghìn câu hỏi hoặc hàng nghìn sản phẩm. Triển khai dưới dạng dịch vụ trên hệ thống máy chủ đám mây của MyGPT.
Theo ông Tạ Quang Thái, hiện chatbot myGPT đã được ứng dụng chính thức vào việc chăm sóc khách hàng tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp khác đang trong giai đoạn huấn luyện như VNG, Alphabook và khoảng 10 doanh nghiệp nhỏ khác.
Ông cho biết, điểm mấu chốt mang lại sự thông minh cho chatbot này đó là xử lý dữ liệu và khi triển khai chatbot AI thì khó khăn không đến từ công nghệ, mà là chất lượng dữ liệu của doanh nghiệp. Chính vì thế, đội thực hiện các dự án, thời gian xử lý dữ liệu rất lâu và tốn nhiều công sức, nhiều dự án khi bắt tay vào làm thì phải tư vấn cho khách hàng để xây dựng lại dữ liệu.
Một ứng dụng nữa được myGPT cung cấp là trợ lý dịch vụ công. Theo đó, ứng dụng trong triển khai các dạng chatbot trao đổi, hỏi đáp phục vụ công dân, công chức, viên chức liên quan đến thủ tục hành chính, các dịch vụ công, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoặc các tài liệu phục vụ hành chính…