Hấp lực nhờ giảm giá, ưu đãi
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng giám đốc Flamingo Redtours, cho hay, cách đây gần chục năm, năm 2009, khi nền kinh tế có dấu hiệu suy giảm thì cụm từ “kích cầu” được nhắc tới như là một biện pháp để thúc đẩy ngành công nghiệp không khói. Tuy nhiên, chỉ đến cuối năm 2012, Liên minh kích cầu du lịch, sản phẩm kích cầu du lịch mới chính thức ra đời, quy tụ các đơn vị lữ hành lớn tại Việt Nam và bắt tay hợp tác chặt chẽ với các hãng hàng không.
Sau đó, hàng loạt chương trình kích cầu lớn ra đời. Năm 2013, lần đầu tiên người ta chứng kiến cảnh khách hàng xếp hàng dài, chen lấn để săn tour khuyến mại với giá tour chưa từng có với mức giảm tới 50-60% so với thông thường đến các điểm hot nhất như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang,...
Năm 2014, 2015, 2016 rồi các năm tiếp theo kích cầu mở rộng ra cả về quy mô, điểm đến, không chỉ dừng lại ở tour trong nước mà còn vươn ra các tour quốc tế tới Nhật Bản, Hàn Quốc,... Doanh thu, số lượng khách tăng trưởng vượt bậc.
Qua 2 đợt kích cầu du lịch, năm 2020 có thời điểm lượng khách nội địa tăng vượt cùng kỳ 2019 |
Năm 2020, du lịch quốc tế đóng băng từ tháng 3 vì đại dịch Covid-19. Du lịch nội địa cũng bất động. Để hâm nóng thị trường nội địa, kéo người dân trong nước đi du lịch, năm qua, ngành du lịch triển khai hai đợt kích cầu mỗi khi dịch tạm lắng và được kiểm soát.
Đầu tiên là Chương trình kích cầu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”, do Bộ VH-TT&DL phát động đầu tháng 5, sau khi chứng kiến dòng người nườm nượp kéo nhau đi chơi dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Sau đó, các buổi lễ phát động rầm rộ diễn ra ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam từ giữa tháng 5. Hàng nghìn tour giá hời, giá giảm tới 30-50%, được tung ra chào mời du khách.
Nhiều ý tưởng được đề xuất nhằm kích cầu du lịch nội địa, như cho học sinh nghỉ hè hết tháng 9, lập resort chuyên biệt ở Phú Quốc, Côn Đảo,... đón khách Tây. Nhờ đó, từ tháng 6, cao điểm là tháng 7, các điểm du lịch đông nghịt khách. Thống kê từ Tổng cục Du lịch cho thấy, lượng khách đi du lịch vọt tăng trở lại trong tháng 5, 6, 7/2020, đạt và vượt so với cùng kỳ năm 2019.
Song, ngày vui không kéo dài là bao. Đến cuối tháng 7, dịch bệnh bùng phát ở Đà Nẵng như gáo nước lạnh dội xuống. Mọi hoạt động du lịch lại quay về thời kỳ ngủ đông. Hàng chục nghìn tour đi Đà Nẵng bị hủy, rất nhiều khách bị kẹt chờ giải cứu. Các điểm đến nổi tiếng khác như Đà Lạt, Nha Trang, Quy Nhơn, Phú Quốc,... cũng vạ lây.
Phải đến cuối tháng 8, khi Covid-19 dần được kiểm soát, du lịch nội địa mới sáng trở lại. Chương trình kích cầu du lịch nội địa lần hai được Bộ VH-TT&DL phát động ngày 18/9, với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn”. Có rất nhiều giải pháp được đưa ra để kích cầu du lịch nội địa lần này, như ngoài linh hoạt về giá để hấp lực khách, tập trung vào chất lượng dịch vụ, sáng tạo các sản phẩm mới lạ hấp dẫn, liên minh liên kết,... song yếu tố quan trọng vẫn là đảm bảo an toàn cho du khách.
Du lịch biển đảo được nhiều khách lựa chọn |
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh đánh giá, có 3 yếu tố giúp các chương trình kích cầu du lịch thành công là đúng thời điểm, hợp lực và có thông điệp rõ ràng.
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, qua hai đợt kích cầu này mới thấy hết “phép màu” của khách du lịch nội địa. Với dân số gần 100 triệu người, trong bối cảnh khách quốc tế tiếp tục bằng 0, nếu phục vụ tốt cũng mang lại nguồn thu đáng kể.
Đặc biệt, con số 11 triệu người Việt Nam vẫn đi du lịch nước ngoài hàng năm, ông Bình đánh giá các đơn vị lữ hành vẫn chưa tiếp cận được nhiều và chưa khai thác tốt dòng khách có khả năng chi trả cao này.
Giữa chừng phá ngang
Ông Nguyễn Công Hoan cho rằng, 9 năm qua, hoạt động kích cầu du lịch cũng bộc lộ nhiều nhược điểm. Chẳng hạn, lực lượng nòng cốt tham gia chủ yếu là các công ty lữ hành và hàng không, thiếu vắng cơ quan quản lý điểm đến, nhà cung cấp dịch vụ tại địa phương như nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan,... trong khi chính họ được thụ hưởng nhiều nhất từ kích cầu.
Chưa kể, thời gian kích cầu diễn ra ngắn, số lượng dịch vụ theo giá kích cầu bị hạn chế hay có giá thì tốt lại kèm theo những điều kiện rất ngặt nghèo khó thực hiện được.
Khi chương trình kích cầu bắt đầu tạo được hiệu ứng thì xuất hiện tình trạng phá vỡ cam kết của các nhà cung cấp dịch vụ như: tăng giá, bổ sung các mức giá rẻ hơn cho khách mua trực tiếp, cho các doanh nghiệp khác,... Chưa kể, có tình trạng hình thành thêm liên minh cạnh tranh với nhau, thậm chí cạnh tranh trong chính các đơn vị trong liên minh,... Điều này đã phá vỡ trật tự kinh doanh, gây hỗn loạn thị trường, quyền lợi của các thành viên không được đảm bảo.
Tận dụng khai thác được 11 triệu khách thường đi du lịch nước ngoài hàng năm sẽ đem lại nguồn thu tốt cho DN lữ hành. |
Đây là những yếu điểm này đã tồn tại nhiều năm. 2021 xác định vẫn là năm khó khăn nên du lịch trong nước là chiếc phao cứu sinh của ngành du lịch nói chung và lữ hành nói riêng. Do đó, ông Hoan kiến nghị, hoạt động kích cầu nên kéo dài 1-2 năm; cần mở rộng quy mô gồm sự liên kết của nhiều tỉnh, thành, tất cả các vùng trên cả nước, tùy từng thời điểm, tùy từng dòng sản phẩm đều có thể kích cầu.
Khi giảm giá không còn là yếu tố tiên quyết vì giá đã giảm sâu, không còn dư địa để giảm, khi “miếng bánh” chỉ gói gọn trong thị trường nội địa, du khách sẽ khắt khe hơn, đòi hỏi cao hơn về sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ. Sản phẩm vì thế cần có tính cá biệt hóa cao, đem lại nhiều giá trị, trải nghiệm thú vị cho khách du lịch.
Bà Nguyễn Thị Lê Hương, Phó Tổng giám đốc Công ty Vietravel, cũng kiến nghị, các địa phương cần có cơ chế hỗ trợ để lữ hành xây dựng được tour giá tốt nhất, như giảm phí các điểm tham quan từ 30-50%.
Điển hình như tỉnh Quảng Ninh năm 2020 đã hỗ trợ 200 tỷ để kích cầu du lịch thông qua giảm giá phí tham quan các danh thắng, bảo tàng, xe buýt đưa đón sân bay,... Năm nay, con số này dự kiến là 500 tỷ đồng. Hưởng ứng phong trào, Tập đoàn Than - Khoáng sản quyết định chi 66 tỷ đồng cho 33.000 công nhân trong ngành đi du lịch trong quý 1/2021, góp phần kích cầu du lịch địa phương.
Ngọc Hà