Hư cấu và sự thật trong tiểu thuyết lịch sử là chủ đề của buổi tọa đàm về cuốn sách tiểu thuyết lịch sử 'Kim thiếp vũ môn' của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh.

Ngày 5/5, tại Trường đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, Nhà xuất bản Văn học và Khoa Văn học đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm về cuốn tiểu thuyết 'Kim thiếp vũ môn' của tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học công nghiệp Việt Nam.

{keywords}

Ngoài tính chính nghĩa, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc vốn thường được đề cập trong tất cả các tác phẩm lịch sử Việt Nam, Kim Thiếp Vũ Môn còn đi sâu phân tích các yếu tố về khoa học kỹ thuật, vũ khí, nguồn lực con người. Đây được cho là một ý tưởng giải thích lịch sử khá táo bạo và thú vị, đồng thời gợi ra loạt suy nghĩ về cách viết tiểu thuyết lịch sử Việt Nam, dũng cảm tiếp cận những vấn đề mà các nhà văn, nhà nghiên cứu thường lảng tránh.

Theo đánh giá của GS.TS. Trần Ngọc Vương, Kim Thiết Vũ Môn không phải là một cuốn tiểu thuyết văn học mà là một giả thuyết khoa học được trình bày dưới dạng tiểu thuyết lịch sử. Thông qua ngôn ngữ văn chương, người đọc có thể tiếp cận những thông tin liên quan tới thành tựu và trí tuệ người Việt, đặt trong sự phức tạp và phong phú của quan hệ với các nước trong khu vực.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Nho Thìn, Khoa văn học, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng: "Lịch sử là tài sản chung của mọi người, nói lịch sử là nói sự thật. Nhưng tiểu thuyết lại đòi hỏi phải hư cấu. Vậy hư cấu thế nào thì vừa? Có lẽ nên hư cấu sao cho độc giả đã bắt đầu đọc là muốn đọc tới cùng, khi ấy họ không còn câu nệ lắm với sự thật lịch sử. 

Cuốn sách này có 2 nội dung lớn và đáng chú ý. Thứ nhất đặt lại vấn đề về trí tuệ, sáng tạo của người Việt trong lĩnh vực vũ khí thời trung đại mà các tiểu thuyết lịch sử nói chung là các nghiên cứu lịch sử hiện nay chưa được chú ý nhiều. Nội dung thứ 2 giải thích nguyên nhân chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi đối với nhà Minh cũng chính là nhờ phát minh ra súng Họa Hổ".

Tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh cho biết: "Tôi nghĩ thứ nhất tiểu thuyết thì phải hư cấu nhưng có người chỉ lấy một sự tích rồi hư cấu tất cả. Tôi chỉ có 1 phần hư cấu, tất cả mọi nhân vật và sự kiện gần như thật 100% chỉ có làm như thế nào kết nối lại thôi. Cái kết dính và tạo cho tâm hồn thì đấy là một phần hư cấu của tôi. Ngay những người phụ nữ đưa vào trong tiểu thuyết thì cũng không hoàn toàn là hư cấu mà phải có cảm hứng thật từ những hình tượng thực mà có thể chính sử không ghi chép mà trong dân gian đặc biệt vùng Hoan Châu, Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa đều có sự tích cả".

Tác giả Thâm Giang Trần Gia Ninh tên thật là Trần Xuân Hoài, sinh ra trong một gia đình nho gia truyền thống ở Hà Tĩnh. Khi mới 10 tuổi, ông được gửi vào trường thiếu sinh tại Trung Quốc, sau đó có cơ hội học tập và làm việc ở nhiều cơ sở nghiên cứu trên thế giới.

Ông là Viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Vật lý ứng dụng và thiết bị khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam. Ông có hơn 50 công trình gồm sách, báo chuyên môn, bằng sáng chế... và được ký tên là Trần Xuân Hoài.

Độc giả bắt đầu biết đến ông với bút danh Trần Gia Ninh qua các tác phẩm gần đây như Kim Thiếp Vũ Môn, Nhìn lại lịch sử Bách Việt và quá trình Hán hóa Bách Việt, Lạm bàn về dạy và học tiếng Trung Quốc ở Việt Nam, Cần một giải pháp xây dựng đội ngũ khoa học mới...

T.Lê