Tại hội thảo “Thực trang, tiềm năng, giải pháp và định hướng phát triển thị trường bất động sản TP.HCM” mới đây, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đề xuất 4 nhóm giải pháp thúc đẩy thị trường theo hướng bền vững.

Thứ nhất: Cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch, nhanh chóng

Nhiều doanh nghiệp đề xuất chỉ cần cán bộ nhà nước các cấp "ký nhanh hơn", đừng xử lý hồ sơ với thái độ "hành là chính" thì sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của đất nước, thành phố và doanh nghiệp, như một đồng chí lãnh đạo vừa mới phát biểu "Chính phủ không thể "dạy khôn" doanh nghiệp", vì cộng đồng doanh nghiệp trước hết đã góp phần "nghĩ hộ" trên cơ sở tính toán đầy đủ hiệu quả đầu tư.

{keywords}
Ảnh minh họa

Do vậy, việc cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là cái tâm phục vụ vô điều kiện của từng cá nhân cán bộ, viên chức nhà nước là yếu tố quyết định, trên cơ sở trả lương tương xứng với trách nhiệm và có cơ chế kiểm tra, giám sát. Hiện nay, còn nhiều hồ sơ dự án bất động sản đề nghị được tính toán để doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất, nhưng chưa được giải quyết kịp thời làm ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ 2: Hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng

Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án khi đã bồi thường được từ trên 80% diện tích, đảm bảo lợi ích người có đất, lợi ích của doanh nghiệp và của xã hội.

Theo Điều 62 Luật Đất đai 2013 Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới, dự án chỉnh trang đô thị, dự án tái định cư, nhà ở cho sinh viên, nhà ở xã hội... Như vậy, gần như phần lớn các dự án bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh có thể được coi là các dự án được thực hiện theo phương thức Nhà nước thu hồi đất.

Do vậy, Hiệp hội đề nghị thành phố có cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp trong trường hợp đã bồi thường giải phóng mặt bằng được từ trên 80% diện tích, để tạo điều kiện triển khai thực hiện dự án, để xử lý nhiều dự án đang đền bù dở dang trong số 502 dự án đang ngừng triển khai (Đây cũng là phần chìm của tảng băng hàng tồn kho trên thị trường bất động sản lâu nay). Giá bồi thường của phần diện tích còn lại của dự án không được thấp hơn giá bồi thường cao nhất mà doanh nghiệp đã thực hiện trước đây; Hoặc có cơ chế giao cho tòa án để xem xét quyết định giá bồi thường một cách khách quan.

Thứ 3: Về khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng khi tính tiền sử dụng đất

Hiện nay, Chính phủ đang dự thảo Nghị định quy định bổ sung một số nội dung về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất (sửa các Nghị định 45, 46/2013/NĐ-CP), trong đó, có nội dung về khấu trừ tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng khi tính tiền sử dụng đất.

Hiệp hội đề nghị có cơ chế để xác định chi phí mà doanh nghiệp đã bồi thường, giải phóng mặt bằng một cách hợp lý, để khắc phục tình trạng gần như doanh nghiệp phải mua lại hai lần như hiện nay, cũng là một nguyên nhân làm tăng giá thành nhà ở mà cuối cùng người mua phải gánh chịu.

Về lâu dài, Hiệp hội đề nghị biến khoản thu tiền sử dụng đất thành "Thuế chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp thành đất ở" với thuế suất cụ thể để khắc phục việc nộp tiền sử dụng đất hiện nay đang là một gánh nặng, là một ẩn số đối với doanh nghiệp, và trên thực tế dễ phát sinh cơ chế xin - cho.

Thứ 4: Cần đảm bảo nguồn vốn trung hạn, dài hạn cho thị trường bất động sản

Đặc điểm hoạt động của thị trường bất động sản có tính trung hạn và dài hạn, nhưng hiện nay chưa có nguồn vốn trung hạn, dài hạn trước hết là nguồn vốn tín dụng với lãi suất hợp lý; Cũng chưa có cơ chế để tạo nguồn vốn tín dụng cho vay mua nhà ở xã hội dài hạn, tối thiểu 20 năm, với lãi suất khoảng 3-3,5%/năm rất cần được bổ sung, cũng là một nhân tố góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng đề nghị phát triển các khu đô thị vệ tinh theo mục tiêu phát triển đô thị đa trung tâm, mang tính vùng không gian đô thị thành phố Hồ Chí Minh, vượt ra ngoài ranh giới hành chính, mà trên thực tế các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức (tỉnh Long An), Dĩ An, Lái Thiêu, TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương), TP Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành (tỉnh Đồng Nai), huyện Tân Thành, TP Bà Rịa, TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang phát triển thành các thành phố vệ tinh của thành phố Hồ Chí Minh.

Quốc Tuấn