Ngày 7/8, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong khuôn khổ khóa tập huấn, các đại biểu được chuyên gia đến từ Viện Khoa học công nghệ và môi trường, Liên minh hợp tác xã Việt Nam, một số đơn vị kỹ thuật truyền thông giới thiệu nhiều chuyên đề để các hợp tác xã tiếp cận với chuyển đổi sổ và thương mại điện tử.
Đó là các chuyên đề như: Nâng cao ứng dụng, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thương mại điện tử cũng như các khâu quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm hàng hóa dịch vụ gắn với phát triển thương hiệu...
Thông qua khóa tập huấn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh có thêm cơ hội, sự hỗ trợ để phát triển bền vững và tiếp cận với chuyển đổi số, thương mại điện tử, cũng như nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế cho các sản phẩm.
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thanh Hóa cho biết, theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, khu vực miền núi nghèo của tỉnh có khoảng 190 hợp tác xã đang hoạt động. Tuy nhiên, do thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản trị, địa hình xa xôi cách trở nên hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã không cao.
Song với sự nỗ lực, quyết tâm và sáng tạo, nhiều hợp tác xã ở khu vực miền núi khó khăn đã xây dựng được kế hoạch sản xuất, kinh doanh triển vọng, phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường.
Thông qua khóa tập huấn đã giúp cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác có cái nhìn rõ hơn về thương mại điện tử và ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã mà cụ thể là hiểu và sử dụng chợ sản phẩm trực tuyến dành cho các sản phẩm. Qua đó, các hợp tác xã có thể liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm....
Các chuyên gia cho rằng, để tận dụng thương mại điện tử hiệu quả, hợp tác xã cần xác định rõ được thị trường, khách hàng mục tiêu, phân khúc thị trường, tiêu chuẩn chất lượng có thể đáp ứng sau đó số hóa các bước trên, hướng đến phương thức xúc tiến thương mại qua mạng online.
Theo các chuyên gia, việc bán hàng thông qua thương mại điện tử là cần thiết nhưng các hợp tác xã vẫn cần đẩy mạnh bán hàng đa kênh, nhất là trên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới thay vì chỉ có bán trên một fanpage hay trang facebook cá nhân.
Thực tế cho thấy, nếu hợp tác xã muốn phát triển theo chuỗi hàng hóa quy mô lớn thành công, chỉ có ứng dụng thương mại điện tử mới phát triển được thương hiệu sản phẩm.
Liên minh hợp tác xã Việt Nam đã xây dựng sàn thương mại điện tử nhằm hỗ trợ các hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm cũng như kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ, giúp các hợp tác xã trên cả nước tiêu thụ được hơn 200 nghìn tấn nông sản với giá trị ước tính hàng chục nghìn tỷ đồng. Đây cũng là cơ hội để các hợp tác xã xây dựng những chiến lược kinh doanh mới, tiếp cận các kênh phân phối hiện đại nhằm mở rộng thị trường và phục hồi sau đại dịch Covid-19. Qua đó, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp nói chung và khu vực kinh tế tập thể nói riêng. |