Tạo nhiều vùng nguyên liệu để phát triển nông nghiệp bền vững
Hiện, huyện Mường Khương đang đẩy mạnh thực hiện các liên kết sản xuất, tạo các chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp và kêu gọi đầu tư xây dựng các cơ sở, nhà máy chế biến nông sản. Mường Khương cũng đã thành lập được 124 tổ hợp tác, 22 HTX nông nghiệp. Đây là con số đáng khích lệ vì trước đó, tỷ lệ HTX của huyện rất thấp, năm 2018 cũng chỉ có chưa đầy 5 HTX nên việc phát triển sản xuất kinh doanh của người dân rất khó khăn. Không chỉ các HTX đã phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi, đẩy mạnh chế biến, đến nay huyện đã có 64/124 tổ hợp tác xây dựng quy chế hoạt động, 52/124 tổ hợp tác đã tổ chức ký hợp đồng với HTX, cơ sở chế biến.
Mới đây, ngày 6/12/2023, Hội Nông dân huyện Mường Khương đã tổ chức ra mắt tổ hội nông dân nghề nghiệp phát triển vùng chuối theo hướng VietGAP và giải ngân quỹ hỗ trợ nông dân dự án phát triển vùng chuối theo hướng VietGAP tại xã Nậm Chảy.
Bước đầu, tổ hội nghề nghiệp sản xuất xã Nậm Chảy đã có 10 hội viên tham gia. Sự ra đời của Tổ hội là hết sức cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản xuất nông nghiệp xã Nậm Chảy. Đây là cơ hội để nông dân trong xã đẩy mạnh việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, giảm được chi phí, tăng lợi nhuận, đảm bảo sức khoẻ cho người sản xuất và người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững, đồng thời mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tại huyện Bắc Hà cũng đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp như: Chuỗi sản xuất, chế biến chè Shan hữu cơ tại xã Bản Liền, xã Tả Củ Tỷ với HTX nông nghiệp hữu cơ Bắc Hà; chuỗi sản xuất quế hữu cơ giữa HTX quế hữu cơ Nậm Đét và 150 hộ, liên kết sản xuất 1.200 ha quế; chuỗi liên kết cây ăn quả ôn đới giữa nông dân và HTX cộng đồng Tả Van Chư, HTX Quang Tom…
Lào Cai hiện có 482 HTX, trong đó, 261 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệ. Nhiều HTX đang phát huy vai trò là trụ đỡ cho kinh tế hộ, tạo chuyển biến căn bản về phương thức sản xuất hàng hóa, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hỗ trợ các HTX, nông dân tiếp cận nền tảng số
Với mục tiêu nâng cao khả năng cạnh tranh, kết nối và mở rộng thị trường trong xu thế 4.0, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã và đang tích cực đồng hành, hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân ứng dụng kinh doanh trên nền tảng công nghệ số.
Năm 2023 Hội tổ chức 9 lớp tập huấn về nâng cao kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số, các học viên được chia sẻ những kinh nghiệm ứng dụng kinh doanh trên nền tảng số như xây dựng kênh tối ưu hóa việc tìm kiếm trên các nền tảng bán hàng Shopee, Tiktokshop; phát triển kế hoạch bán hàng trên sàn thương mại điện tử phù hợp với vùng nông thôn.
Bà Trần Thị Hằng - Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lào Cai cho biết, việc tập huấn cho các nông dân đưa nông sản lên sàn là một trong những hoạt động chủ yếu cảu Hội, chúng tôi muốn bổ sung kiến thức, kỹ năng cho các hộ nông dân để xây dựng những gian hàng mang bản sắc của Lào Cai và đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên các gian hàng điện tử số.
Cùng với hỗ trợ các HTX đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, thời gian qua các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã tập trung phổ biến, nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp, về tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt là đẩy mạnh hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng CNTT trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản. Đây được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp nông dân nhanh chóng tiếp cận với chuyển đổi số.
Với cách hiệu quả, những cửa hàng, gian trưng bày giới thiệu và phân phối các sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh ngày càng được mở ra nhiều hơn. Ngoài bán lẻ phục vụ người tiêu dùng trên địa bàn, các cửa hàng này cũng tâp trung quảng bá giới thiệu và liên kết tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc hữu, OCOP trên các trang mạng xã hội.
Ông Phạm Hồng Phong – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai cho biết, một số HTX đã tiếp cận rất tốt với môi trường số, quảng bá, giới thiệu sản phẩm địa phương cho người nông dân. Hội Nông dân cũng hỗ trợ và kết nối liên kết giữa các HTX trong tỉnh cũng như ngoài tỉnh để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.