Na Chi Lăng được trồng tập trung chủ yếu ở các xã Chi Lăng, Mai Sao, Thượng Cường, Vạn Linh, Y Tịch, Hòa Bình, thị trấn Chi Lăng và thị trấn Đồng Mỏ.
Năm 2011, quả na Chi Lăng được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Na Chi Lăng”; được công nhận vào Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam theo Bộ tiêu chí công bố giá trị đặc sản Việt Nam.
Năm 2018, na Chi Lăng được Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam vinh danh và trao cúp Vàng chứng nhận Top 10 Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.
Năm 2023, diện tích trồng na của huyện ước trên 2.300 ha, sản lượng ước đạt 20.000 tấn, doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng. Riêng diện tích na trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP đạt 35 ha, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 800 ha.
Đến hết năm 2023, có 3 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Đồng Mỏ và xã Chi Lăng, xã Y Tịch đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao; 1 sản phẩm na Chi Lăng của thị trấn Chi Lăng đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Tận dụng thế mạnh từ các sản phẩm chủ lực của địa phương, Hợp tác xã Nông sản huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) do bà Nguyễn Thị Lý làm Giám đốc đã đứng ra làm đầu mối thu mua một số loại nông sản (chủ yếu là na và ớt) của bà con nông dân trên địa bàn huyện. Qua đó, Hợp tác xã đảm bảo đầu ra ổn định cho bà con nông dân, tránh tình bị trạng thương lái ép giá.
Thành lập từ năm 2018 với 7 thành viên, hoạt động chủ yếu của Hợp tác xã Nông sản huyện Chi Lăng gồm: Sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Theo lãnh đạo Hợp tác xã Nông sản huyện Chi Lăng, “ngay từ khi đi vào hoạt động, Hợp tác xã đã liên kết trồng na sạch với 3 đơn vị khác là các là hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất na trên địa bàn; với tổng diện tích trên 30 ha của 25 thành viên và 50 hộ vệ tinh, thực hành chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Trong đó, liên kết với nhiều nhất với Tổ hợp tác na Lũng Than (thị trấn Đồng Mỏ) với diện tích trồng na khoảng 25 ha của 27 hộ dân”.
Hàng năm, Hợp tác xã Nông sản huyện Chi Lăng thu mua và xuất ra thị trường khoảng 100 tấn – 150 tấn na chất lượng cao. Toàn bộ sản phẩm na của các tổ hợp tác và Hợp tác xã sau khi thu hoạch sẽ được mua với giá phù hợp theo giá thị trường (từ 25.000 đồng đến 40.000 đồng/ kg), bao tiêu sản phẩm cho bà con.
Hợp tác xã đã được các ngành chức năng của huyện hỗ trợ đưa sản phẩm giới thiệu lên sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (voso.vn) của Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post).
Tháng 9/2022, Hợp tác xã được huyện hỗ trợ đưa 1 kế toán có trình độ đại học về làm việc. Điều này đã giúp Hợp tác xã đạt hiệu quả tốt hơn trong việc quản lý sổ sách, giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong khâu tìm kiếm thị trường, Hợp tác xã đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp, siêu thị (như Winmart, Hapro, Công ty Cổ phần HTS Việt Nam); đồng thời, tìm kiếm và liên kết với các đơn vị kinh doanh qua mạng xã hội (Facebook, Zalo) để tiêu thụ sản phẩm.
Đến nay, Hợp tác xã đã liên kết với các công ty, siêu thị, cửa hàng hoa quả sạch ở 27 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Không chỉ góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm na trên địa bàn, Hợp tác xã còn là “bà đỡ” cho sản phẩm ớt ở địa phương. Từ năm 2019 đến nay, vào vụ thu hoạch ớt, trung bình, Hợp tác xã thu mua của bà con trên địa bàn huyện và khu vực lân cận khoảng 40-50 tấn ớt với giá từ 6.000 - 7.000 đồng/kg.
Cùng với đó, Hợp tác xã này còn sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc sản của địa phương như: Khẩu nhục, lạp sườn…, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho các thành viên và doanh thu của Hợp tác xã.
Đây là mô hình tiêu biểu trong việc cung cấp đa dạng sản phẩm, dịch vụ cho thành viên, nổi bật là dịch vụ đầu ra cho sản phẩm trái cây đặc sản.