Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các thành phần tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với những người nông dân. Từ đó tiến tới hạn chế tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, đồng thời góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, vừa cho phép áp dụng các quy trình sản xuất phù hợp, hiện đại, đảm bảo chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất theo hợp đồng nhằm tránh tình trạng được mùa, mất giá. Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Ngọc Hoàng với sản phẩm thanh long là một trong nhiều HTX tại Sơn La đã chú trọng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.
Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Ngọc Hoàng được thành lập từ năm 2016 chỉ với 10 thành viên. Nhận thức được việc phải liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa thành viên, hội nông dân với HTX nhằm tháo gỡ đầu ra cho các hộ nông dân, lãnh đạo HTX đã tiến hành tuyên truyền, vận động các cá nhân, hộ gia đình gia nhập, liên kết thực hiện các chuỗi sản phẩm.
Nhờ đó, năm 2016, HTX có tổng diện tích là 50ha, trong đó thanh Long ruột đỏ có diện tích 5,5ha sản xuất theo quy trình Vietgap và 44,5 ha gồm các loại cây ăn quả khác như xoài, nhãn, bưởi, dứa… Đến năm 2018, HTX đã mở rộng diện tích lên 175 ha cây ăn quả, trong đó thanh long có 70 ha và 105 ha gồm xoài, nhãn, bưởi, dứa...
Đến năm 2020, HTX đã mở rộng thị trường cung cấp, hỗ trợ giống và kỹ thuật trồng cây thanh long ruột đỏ, mít ruột đỏ, chanh leo cho các huyện Sông Mã, Sốp Cộp, Thuận Châu, Mai Sơn thuộc tỉnh Sơn La và liên kết với các hộ trồng thanh long để sản xuất theo chuỗi, đồng thời hướng dẫn các hộ trồng theo phương pháp hữu cơ, thực hiện theo đúng quy trình VietGap.
Nhờ quy trình đó, chỉ riêng quả thanh long đã cho thu nhập từ 20-25 tấn/ha với giá bình quân 25.000đ/kg; tổng thu nhập một năm từ Thanh Long đạt từ 550- 600 triệu đồng/ha. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm HTX đã xuất khẩu được trên 400 tấn thanh long tới các thị trường khó tính.
Tại tỉnh Sơn La, do thời tiết khí hậu và sự chênh lệnh nhiệt độ giữa ngày và đêm nên thanh long của Sơn La có vị ngọt đậm thơm mát được rất nhiều thương lái của các vùng miền đánh giá cao. Đặc biệt, thanh long Sơn La đã chinh phục được các các nước châu Âu khó tính như: Nga, Đức, Pháp….
Để sản phẩm thanh long đáp ứng yêu cầu của thị trường, HTX yêu cầu tất cả các thành viên phải chăm sóc cây theo đúng quy trình kỹ thuật, có sổ tay ghi chép quy trình chăm sóc, thời gian bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật... Bên cạnh đó, HTX đã tiến hành lập hồ sơ, đề xuất với Chi cục quản lý nông lâm thủy sản tỉnh Sơn La đánh giá, thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình sản xuất quả thanh long ruột đỏ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, theo lãnh đạo HTX, trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như diện tích liên kết sản xuất còn khiêm tốn so với tiềm năng thực tế; việc liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản mới chỉ dừng lại ở một số loại quả như thanh long, xoài, nhãn, bưởi.. mà chưa mở rộng ra các loại củ quả khác. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu nông sản chưa sâu rộng; cơ chế, chính sách đãi ngộ khuyến khích người nông dân và HTX tham gia liên kết còn hạn chế… Trên địa bàn tỉnh chưa có khu vực sơ chế đóng gói bảo quản sau thu hoạch để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, HTX.
Để việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa thành viên hội nông dân với Hợp tác xã trong thời gian tới được thuận lợi, lãnh đạo HTX cho rằng, các HTX cần được hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, cần mở rộng diện tích vùng trồng và nâng cấp chuỗi giúp cho Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Hoàng cũng như các Hợp tác xã có nhà sơ chế, chế biến đóng gói và bảo quản nông sản sau thu hoạch.
Ngoài ra, cần tiếp tục đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật; đào tạo nghề cho nông dân và các thành viên; tăng cường hỗ trợ về giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm; chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới theo mô hình ứng dụng công nghệ cao…