Làng Gò Cỏ thuộc vùng nông thôn ven biển phường Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Người dân có nguồn gốc bản địa nên kỹ năng, tri thức của họ về mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn là nguồn lực mạnh mẽ đáp ứng cho những trải nghiệm du lịch thêm sinh động và chất lượng.
Trong một tham luận tại hội nghị chuyên để về xây dựng nông thôn mới, bà Nguyễn Thị Diễm Kiều, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch Cộng đồng làng Gò Cỏ (HTX Gò Cỏ) cho biết: Nếu nhìn ở góc độ sản xuất nông – ngư nghiệp, thì làng Gò Cỏ rất nghèo nàn về tư liệu sản xuất, khí hậu khắc nghiệt. Nhưng khi được đặt dưới góc nhìn của bảo tồn di sản, làng Gò Cỏ lại là nơi lưu giữ nhiều giá trị phục vụ cho hoạt động du lịch cộng đồng.
Làng có diện tích tự nhiên khoảng 105 ha và chỉ gồm 83 hộ dân nhưng nó ẩn chứa nhiều “hóa thạch văn hóa” hàng ngàn năm từ thời kỳ Sa Huỳnh đến Chăm Pa và Đại Việt. Vì sống trong địa hình như lòng chảo, vây quanh là núi đá khiến cho cư dân Gò Cỏ kế thừa tập tục của người Chăm Pa xưa trong đời sống văn hóa và kinh tế. Nghề nông và ngư nghiệp gắn bó mật thiết với tự nhiên. Ở đây, nhiều sản vật được sinh ra từ đá. Gành đá hàng trăm triệu năm tuổi cho dân làng hệ sinh thái biển khá đa dạng và cảnh quan môi trường hiếm có. Bao nhiêu mùa ngô khoai bội thu từ những ruộng bậc thang đá và giếng nước cổ. Bên cạnh đó, văn hóa phi vật thể được lưu truyền gần như nguyên vẹn. Điển hình là dân ca bài chòi, hát hố vẫn còn được phát huy như một món ăn tinh thần của người dân. Trải qua nhiều biến cố chiến tranh nhưng ngôi làng vẫn giữ được nét hoang sơ và chiều sâu văn hóa ấn tượng. Chính vì vậy, HTX Gò Cỏ ra đời nhằm khoác lên nó tấm áo mới dựa trên du lịch cộng đồng để phát triển đa dạng sinh kế từ nguồn nội lực dồi dào ấy.
HTX Gò Cỏ được thành lập tại làng Gò Cỏ, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi vào tháng 4/2019 với 37 thành viên. Đây được gọi đây là mô hình HTX làng bởi vì cơ cấu thành viên và quy mô hoạt động của nó nằm trong phạm vi một ngôi làng. Nếu mục tiêu phát triển của đa phần các HTX trên cả nước là nhằm đáp ứng nhu cầu chung của một nhóm người thuộc một ngành nghề chuyên biệt thì HTX Gò Cỏ đặt mục tiêu đáp ứng nhu cầu chung của cộng đồng về phát triển sinh kế dựa trên hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên – tài nguyên nhân văn của làng.
HTX Gò Cỏ hoạt động chủ yếu về dịch vụ du lịch cộng đồng dựa trên “tài sản” chung là một ngôi làng cổ Chăm Pa nằm trong không gian văn hóa Sa Huỳnh hơn 3.000 năm trước. Để tránh tình trạng phát triển du lịch tự phát, cạnh tranh tiêu cực trong cộng đồng và dẫn đến hiện tượng “chưa lớn đã chết”, một nơi giàu tiềm năng như làng Gò Cỏ phải được đánh giá và định hướng phát triển dựa trên cơ sở bảo tồn. Theo đó, các lớp học thực tế về du lịch và bảo tồn cho người dân làng Gò Cỏ được tiến hành ngay từ ban đầu thay cho bất kỳ hoạt động nào khác trước khi đi đến quyết định thành lập HTX. Điều này giúp cho thành viên HTX và cả cộng đồng làng Gò Cỏ nhận định đúng giá trị của khối di sản quý giá đang hiện hữu; đồng thời có trách nhiệm với việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, gìn giữ giá trị văn hóa lâu đời trong mỗi một quyết định chung về phát triển sinh kế.
“Các dịch vụ homestay, trải nghiệm bằng thuyền nan, trải nghiệm lớp học cộng đồng, dịch vụ ẩm thực, hướng dẫn viên... được cộng đồng thiết lập các quy chế hoạt động riêng nhằm đảm bảo sự hoang sơ và văn minh của ngôi làng. Một trong những tiêu chí xét gia nhập cho thành viên của bất kỳ tổ dịch vụ nào trong số dịch vụ nói trên là “Thành viên phải là người bản địa, có ít nhất 3 đời sống tại làng Gò Cỏ”. Đây là tiêu chí được đưa ra nhằm giữ gìn phương ngữ, truyền thống văn hóa và khuyến khích lực lượng lao động trẻ hồi hương, tái lập kinh tế thịnh vượng. Tiêu chí này là một trong các điều kiện ràng buộc mềm dẻo khiến thành viên HTX và dân làng phải tuân thủ vì mục tiêu chung – bảo tồn”, bà Kiều cho biết.
Theo bà Kiều, HTX có sứ mệnh kết nối khối tài sản lớn nói trên với những kỹ năng, tri thức sẵn có của mỗi người dân bản địa thành sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc trưng. Điều tiên quyết dẫn đến sự thành công của HTX nằm ở nguyên tắc bất di bất dịch – cộng đồng là chủ thể. Chính vì thế, du lịch làng Gò Cỏ không những làm thỏa mãn du khách mà quan trọng hơn là phát huy tối đa vai trò làm chủ của cộng đồng và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - văn hóa- xã hội bền vững, mang đến đời sống hạnh phúc cho chính họ.