ba le viet nga.jpg
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương. 

Sản xuất xanh, xuất khẩu xanh, tiêu dùng xanh… đã và đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn cầu như một giải pháp tích cực giúp giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế. 

Quán triệt vấn đề an ninh, an toàn thực phẩm có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của người dân mà còn có tác động lớn tới phát triển kinh tế, thương mại, an sinh xã hội của Việt Nam, thời gian qua, thông qua việc thực thi Luật An toàn thực phẩm và các văn bản dưới luật, Bộ Công Thương đã chủ trì và phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế cùng chính quyền các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai xây dựng Cộng đồng hành động vì an toàn thực phẩm. Nhờ đó mạng lưới phân phối nông sản an toàn đang dần hình thành trên cơ sở hạ tầng thương mại truyền thống và sản xuất nông sản thực phẩm vốn còn nhỏ lẻ, nhiều bất cập, chưa theo kịp với nhu cầu của người tiêu dùng.

Với sự hỗ trợ cơ chế chính sách, kết nối cung cầu, truyền thông của các cơ quan quản lý nhà nước ngành Công Thương, ngành Nông nghiệp và các ban ngành liên quan từ trung ương đến địa phương, ngày càng có nhiều hệ thống phân phối nông sản thực phẩm hiện đại, phát triển theo chuỗi, có quy mô rộng khắp trên cả nước đang đóng vai trò quan trọng trong cung ứng thực phẩm an toàn và dẫn dắt thị trường về xu hướng tiêu dùng, chất lượng và độ an toàn của hàng hóa.

Điển hình như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh(Saigon Co.op) - đơn vị chủ quản của các hệ thống bán lẻ: Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, HTV Co.op, Cooponline… với trên 1.000 điểm bán, có mặt tại hơn 40 tỉnh thành, trong đó tổng số cửa hàng Co.op Food đang hoạt động hiệu quả trên toàn quốc là 571 cửa hàng, góp phần cung cấp bữa ăn hàng ngày cho hàng triệu gia đình Việt Nam với tiêu chí kinh doanh hàng đầu “an toàn – tiện lợi – tươi ngon”.

“Hàng hóa được phân phối trong các hệ thống hiện đại luôn được doanh nghiệp phối hợp với các nhà cung ứng trong đó có các liên minh hợp tác xã, hợp tác xã, hộ nông dân cùng nỗ lực kiểm soát nhằm đảm bảo đáp ứng các tiêu chí về hồ sơ chứng từ, quy trình sản xuất, trồng trọt, đặc biệt là nông sản được kiểm tra an toàn thực phẩm để đảm bảo chất lượng trước khi đến tay người tiêu dùng.  Các địa điểm bán hàng bình ổn đã trở thành địa chỉ tin cậy về hàng hóa bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm và giá cả ổn định cho người tiêu dùng và cũng là đối tác quan trọng của các nhà sản xuất, đặc biệt là các nhà sản xuất uy tín, các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa sản xuất theo hướng bền vững, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga nhấn mạnh.

Trước các xu hướng tiêu dùng của thị trường đối với sản phẩm bền vững, trong đó có sản phẩm nông nghiệp bền vững, ngày 28/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 300 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối quốc gia về chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững, giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo giải quyết những vấn đề quan trọng, liên ngành để triển khai Kế hoạch hành động.

Cùng với nhiều bộ, ngành quan trọng khác tham gia thực hiện Kế hoạch này,  Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính giao chủ trì các nội dung gồm: Nâng cao năng lực cho các tổ chức và cá nhân trong truy xuất nguồn gốc, ghi nhãn xuất xứ sản phẩm lương thực thực phẩm; Tăng cường các hoạt động thương mại điện tử, quảng bá, kết nối thị trường tiêu thụ lương thực thực phẩm theo chuỗi giá trị với các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội; Hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn, áp dụng các nguyên lý kinh tế tuần hoàn đối với người tiêu dùng…

Trên cơ sở đó, thời gian qua Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và các đơn vị liên quan triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm lương thực, thực phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn, thân thiện môi trường trên thị trường nội địa và xúc tiến xuất khẩu.

“Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết giá trị, chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, từ sản xuất đến thu mua – chế biến – bảo quản – tiêu thụ theo các tiêu chuẩn do thị trường đề ra, trong đó không thể không kể tới vai trò quan trọng của Liên minh hợp tác xã Việt Nam và các hợp tác xã nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng nền kinh tế xanh và nước Việt Nam thịnh vượng”, bà Lê Việt Nga khẳng định.

Thục Anh và nhóm PV, BTV