Hợp tác xã hoạt động hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định là 1 chỉ tiêu trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 – 2025. 

Thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đổi mới hình thức sản xuất, hỗ trợ nông dân tham gia vào các hợp tác xã, tạo động lực giúp hợp tác xã phát triển bền vững, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. 

Sự phát triển của hợp tác xã đóng vai trò quan trọng để Tuyên Quang xây dựng nông thôn mới nâng cao. 

Ngày 21/11/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang Khóa XVII đã ban hành Chương trình hành động số 28-Ctr/TU thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 78/KH-UBND ngày 14/4/2023 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Trong đó nhấn mạnh tập trung các giải pháp để kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh phát triển hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước là thành phần quan trọng trong nền kinh tế.

Phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã hoạt động theo đúng bản chất, giá trị và nguyên tắc với nhiều mô hình hợp tác, liên kết; áp dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Từ đó thu hút ngày càng nhiều thành viên tham gia kinh tế tập thể, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên, người lao động góp phần phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội tại địa phương.

Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có trên 600 hợp tác xã với trên 13.000 thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% hợp tác xã nông nghiệp tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 50 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài…

Trong giai đoạn này, tỉnh sẽ tập trung tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể. 

Đối với các hợp tác xã nông lâm nghiệp, thủy sản, cần phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng và phát triển các liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo các cơ chế, chính sách của tỉnh. Trong đó khuyến khích phát triển hợp tác xã nông nghiệp như: hỗ trợ hợp tác xã thành lập mới với lĩnh vực sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.

Các hợp tác xã này được hỗ trợ mua máy vi tính và trang thiết bị văn phòng; hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các hợp tác xã vay vốn để tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hoá, sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng và quản lý nhãn hiệu; hỗ trợ đánh giá và cấp giấy chứng nhận sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn; hỗ trợ hợp tác xã tham gia Chương trình OCOP và xúc tiến thương mại; sản xuất hữu cơ; thực hiện các dự án liên kết sản xuất...

Đến thời điểm 31/7/2023, trên địa bàn tỉnh có 517 hợp tác xã. Trong đó, có 433 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với số lượng 8.583 thành viên. Các hợp tác xã nông, lâm nghiệp đã đáp ứng nhu cầu giải quyết việc làm cho người lao động ở khu vực nông thôn, góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hoạt động của các hợp tác xã tác động không nhỏ vào việc hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ vật tư đầu vào, nâng cao kỹ thuật sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Thúc đẩy phát triển sản xuất nông sản hàng hóa, khắc phục được tình trạng sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, phân tán. Đồng thời, hỗ trợ chủ thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm.

Việc sản xuất sản phẩm OCOP, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của các hợp tác xã đã góp nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, tạo việc làm cho thành viên và người lao động, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, bước đầu đã có hợp tác xã tham gia xuất khẩu sản phẩm. 

Hiện, tỉnh Tuyên Quang có 104 hợp tác xã có sản phẩm OCOP, trong đó có 147 sản phẩm được xếp hạng từ 3 sao trở lên (trong tổng số 191 sản phẩm, chiếm tỷ lệ 77%); có 77 hợp tác xã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ cho 82 sản phẩm, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 62 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; 08 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tiêu chí bình quân xã xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh đạt 15,12 tiêu chí/xã. Vai trò của các hợp tác xã nông nghiệp tại các địa phương đã góp phần to lớn đối với việc thay đổi diện mạo vùng nông thôn và thực hiện các tiêu chí về thu nhập, giảm hộ nghèo ở các xã đạt chuẩn và chưa đạt chuẩn.

Hoàng Hiệp và nhóm PV, BTV