Rửa tiền một trong những loại tội phạm nguy hiểm, gây ảnh hưởng tiêu cực nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.
Cùng với những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, thời gian qua, hoạt động hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền tiếp tục được đẩy mạnh cả về chiều rộng và chiều sâu góp phần tích cực vào việc thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền của Việt Nam.
Song song với các hoạt động phòng, chống rửa tiền trong nước, Việt Nam đã từng bước chủ động hội nhập quốc tế về lĩnh vực này, đánh dấu bằng việc Việt Nam gia nhập và trở thành thành viên thứ 34 của Nhóm Châu Á Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) vào tháng 5/2007; thành viên liên kết của FATF, là một tổ chức liên chính phủ hợp tác trong lĩnh vực chống rửa tiền, hoạt động theo mô hình FSRB tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
![](https://static-images.vnncdn.net/files/publish/2023/9/23/minhhoa-930.png?width=0&s=3ohSf9mQMhF-akMOBcp44A)
Với tư cách là thành viên của APG, Việt Nam đã cam kết thực hiện các quy định tại “Điều khoản tham chiếu của APG”, bao gồm: Thực hiện các hành động cần thiết nhằm chống rửa tiền và tài trợ khủng bố; Thực hiện các hành động, các bước tích cực, chủ động nhằm phát triển, thông qua và thực thi luật pháp và các biện pháp khác về chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố dựa trên chuẩn mực quốc tế đã được thừa nhận; Nhận thức lợi ích của việc chia sẻ thông tin và kinh nghiệm; Cam kết thực thi các quyết định của APG; Cam kết tham gia vào chương trình đánh giá đa phương của APG và Đóng góp vào ngân sách của APG.
Thực hiện nghĩa vụ thành viên của APG, Việt Nam đã trải qua 2 lần đánh giá đa phương vào năm 2009 và năm 2019. Kết quả đánh giá đa phương là cơ hội Việt Nam nhìn nhận về việc thực hiện triển khai công tác phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố theo tiêu chuẩn quốc tế và nhận ra những thiếu hụt, hành động cần thực hiện để tăng cường hiệu quả của hoạt động phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Kết quả cũng cho thấy những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong việc thực hiện các cam kết về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố theo các tiêu chuẩn quốc tế về khuôn khổ pháp lý và cơ chế triển khai thực hiện.
Công tác trao đổi thông tin về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố với các Đơn vị tình báo tài chính (FIU) hoặc cơ quan phòng, chống rửa tiền nước ngoài cũng được đẩy mạnh. Theo đó, NHNN đã ký 9 Bản ghi nhớ (MOU) trao đổi thông tin liên quan đến rửa tiền và tài trợ khủng bố với các quốc gia và đang trong quá trình đàm phán để ký kết MOU với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã gia nhập một số tổ chức quốc tế lớn về phòng, chống rửa tiền trong khu vực, tham gia các Công ước quốc tế và phê chuẩn thực hiện các công ước như Công ước của Liên hợp quốc về chống buôn bán bất hợp pháp các loại ma túy và chất hướng thần năm 1988 (Công ước Viên), Công ước Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước Palermo), Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (Công ước Merida), Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia…, tham gia Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự khối ASEAN, ký kết nhiều hiệp định song phương, đa phương về tương trợ tư pháp và dẫn độ.
Đặc biệt, thực hiện kế hoạch hành động giải quyết những rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố giai đoạn 2019 - 2020 ban hành theo Quyết định số 474/QĐ-TTg ngày 30/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã chính thức gia nhập Mạng lưới liên cơ quan thu hồi tài sản Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ARIN - AP) vào tháng 12/2020.