Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (VQG PN-KB) hai lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Với tổng diện tích hơn 123.300ha, đây là VQG lớn nhất Việt Nam và chứa đựng nhiều giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo và đa dạng sinh học, là khu vực karst rộng lớn nhất trên toàn cầu, có lịch sử hình thành cách đây hơn 400 triệu năm với đầy đủ các giai đoạn phát triển chính của vỏ trái đất.
Nơi đây có hơn 1.000 hang động, trong đó có 425 hang động đã được khảo sát, đo vẽ, có hệ động thực vật vô cùng đa dạng và phong phú với 2.953 loài thực vật, 1.394 loài động vật. Trong đó, có 43 loài mới phát hiện cho khoa học và nhiều loài quý hiếm, loài chỉ thị cho hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi…
Nằm ở vị trí liền kề nhau tại trung tâm dãy Trường Sơn và cùng nằm trong khối đá vôi có diện tích lớn nhất Đông Nam Á, phía bên kia biên giới, VQG Hin Nậm Nô, tỉnh Khăm Muộn (Lào) có tổng diện tích hơn 82.000ha, là nơi cư trú của 40 loài động vật có vú, hơn 200 loài chim, 25 loài dơi, 46 loài lưỡng cư và bò sát, hơn 100 loài cá và hơn 520 loài thực vật, đồng thời có nhiều hệ thống hang động đá vôi đẹp…
Từ 2012 đến nay, trên cơ sở tuyên bố chung về hợp tác bảo tồn đa dạng sinh học liên biên giới giữa VQG PN-KB và Khu bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia Hin Nậm Nô (nay là VQG Hin Nậm Nô), các biên bản hội đàm được ký kết hàng năm giữa hai tỉnh Quảng Bình và tỉnh Khăm Muộn, chính quyền hai tỉnh và lãnh đạo hai VQG đã tổ chức nhiều chuyến thăm và làm việc để trao đổi, thông tin về tình hình hoạt động trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn và phát huy giá trị tiềm năng di sản thiên nhiên thế giới.
Mới đây, tại tỉnh Khăm Muộn (Lào), BQL VQG PN-KB đã làm việc với BQL VQG Hin Nậm Nô về rà soát lại công tác tổ chức triển khai nội dung biên bản ghi nhớ giữa hai bên, đặc biệt là việc chỉnh sửa nội dung hồ sơ đề cử VQG Hin Nậm Nô là Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới với Di sản thiên nhiên thế giới VQG PN-KB.
Hai bên cũng đã thống nhất phối hợp trong công tác nghiên cứu đa dạng sinh học các loài mới phát hiện, loài đặc hữu, động thực vật quý hiếm bị cấm... trên tinh thần độc quyền nghiên cứu khoa học (tài sản trí tuệ) và quy định phê duyệt của mỗi nước.
Tổ chức họp báo cáo về tình hình thực thi pháp luật, việc tuần tra tại đường biên giới và trao đổi kinh nghiệm trong công tác giám sát, kiểm soát, phòng chống các hoạt động khai thác, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trái phép, nâng cao tuyên truyền, phổ biến bảo tồn đa dạng sinh học cho cộng đồng người dân tại khu vực biên giới giữa hai tỉnh.
Phối hợp xuất bản sách, ấn phẩm chung của hai VQG và các sản phẩm phục vụ công tác truyền thông, xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động du lịch thiên nhiên và du lịch sinh thái chung.
Phối hợp với nước thứ ba để khai thác tiềm năng thế mạnh về du lịch thiên nhiên bền vững, tiếp tục đề nghị mở rộng sự hợp tác với VQG Na Kai-Nậm Thơm trong công tác quản lý, bảo tồn rừng, bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực tiếp giáp với VQG PN-KB và VQG Hin Nậm Nô.
Trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ việc đề cử VQG Hin Nậm Nô thành Di sản thiên nhiên thế giới liên biên giới với VQG PN-KB, các thủ tục hồ sơ để hai VQG hoàn thành đăng ký Danh lục Xanh, VQG Hin Nậm Nô ủng hộ VQG PN-KB tham gia vào các diễn đàn, tiến trình xây dựng hồ sơ dự trữ sinh quyển thế giới của VQG PN-KB…
Được biết, việc hợp tác, liên kết VQG PN-KB và VQG Hin Nậm Nô thành di sản thiên nhiên thế giới xuyên biên giới sẽ làm tăng diện tích và quy mô, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước Việt-Lào, nâng cao công tác bảo vệ, bảo tồn và khai thác di sản xuyên biên giới.