Việt Nam ưu tiên hợp tác phát triển AI, trợ lý ảo

Ngày 19/11, Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam - VIDW 2024, chủ đề “Trợ lý ảo”, đã chính thức khai mạc tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Phiên toàn thể của Tuần lễ Số có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng; bà Léocadie Ndacayisaba - Bộ trưởng Bộ Truyền thông, CNTT, đa phương tiện của Cộng hòa Burundi; ông Miguel Marques Gonçalves Manetelu - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và truyền thông Timor Leste.

Cùng dự còn có Phó Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh Đặng Xuân Phương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Phòng Hoàng Minh Cường; Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm; đại diện lãnh đạo các bộ CNTT-TT, các cơ quan Chính phủ, tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện ngoại giao, hiệp hội và doanh nghiệp.

W-Tuan le so 3.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tuyên bố khai mạc Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam - VIDW 2024.

Tuyên bố khai mạc VIDW 2024 và hoạt động đầu tiên của chuỗi sự kiện - hội nghị bàn tròn cấp bộ trưởng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khẳng định: Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy các sáng kiến khu vực và quốc tế trong lĩnh vực công nghệ số, kinh tế số, trong đó sẽ ưu tiên các chương trình hợp tác về AI, về phát triển và sử dụng trợ lý ảo.

Tuần lễ Số quốc tế hàng năm là cơ hội tốt để các chính phủ, tổ chức quốc tế, hiệp hội và doanh nghiệp công nghệ số toàn cầu xác lập và mở rộng quan hệ đối tác kỹ thuật số, thúc đẩy hợp tác vì một thế giới số bền vững”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Phát biểu chào mừng Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam lần thứ 3, Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Đặng Xuân Phương nhận định đây là cơ hội để tỉnh Quảng Ninh được lắng nghe kinh nghiệm, giải pháp của các bộ trưởng, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp về tầm nhìn tương lai của công nghệ số, vai trò trợ lý ảo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực quản trị quốc gia, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

W-Tuan le so 1.jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Đặng Xuân Phương. 

Nhấn mạnh tầm quan trọng của AI, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng: Trợ lý ảo có thể là ứng dụng quan trọng của AI, có thể là trợ lý ảo cá nhân cho mỗi người, hay trợ lý riêng cho mỗi tổ chức.

Đồng thời, khẳng định AI không thay thế con người mà giữ vai trò hỗ trợ, trao thêm quyền năng cho con người. Mỗi cá nhân, mỗi tổ chức phải phát triển trợ lý ảo của riêng mình, từ dữ liệu và kiến thức của mình và phục vụ cho mục đích riêng của mình.

Trợ lý ảo giúp mỗi chúng ta làm việc của mình tốt hơn, giúp chúng ta được giải phóng khỏi những việc không có tính sáng tạo, nhưng tốn nhiều công sức và thời gian, để con người tập trung vào việc tốt nhất của mình là sáng tạo”, người đứng đầu Bộ TT&TT Việt Nam phân tích.

Chỉ rõ AI là mới với mọi người nên sự hợp tác là con đường tốt nhất để phát triển AI, trợ lý ảo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng chia sẻ với đại biểu quốc tế về quan điểm, định hướng của Việt Nam trong phát triển trợ lý ảo.

Đó là tách biệt vai trò của hãng công nghệ và người dùng trong phát triển trợ lý ảo, trong đó hãng công nghệ cung cấp nền tảng, công cụ AI để huấn luyện trợ lý ảo, còn người dùng nhập dữ liệu, tri thức của mình và đào tạo trợ lý ảo. AI nguồn mở là cách phát triển bền vững, bởi nguồn mở tạo ra sự tin cậy, giúp thúc đẩy sự phát triển toàn cầu.

Trợ lý ảo đang được nhiều quốc gia ứng dụng trong khu vực công

Chia sẻ góc nhìn của Tập đoàn tư vấn Boston - BCG, ông Arnaud Ginolin, Giám đốc điều hành, cho hay BCG dự đoán quy mô thị trường ứng dụng AI vào khu vực công sẽ đạt 1,75 nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Ưu tiên của nhiều chính phủ là phát triển trợ lý ảo hỗ trợ cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, trợ lý ảo còn có nhiều ứng dụng khác như hỗ trợ vận hành nội bộ của chính phủ, hỗ trợ việc hoạch định chính sách...

Đại diện BCG cho rằng, để ứng dụng trợ lý ảo trong khu vực công, đầu tiên các chính phủ cần phải định nghĩa, xây dựng cho mình chiến lược trong ngắn, trung và dài hạn. Các quốc gia cần chỉ ra được mục tiêu, khát vọng của mình trong việc phát triển trợ lý ảo.

Tiếp đó, các chính phủ cần chọn ra các ‘usecase’ - kịch bản sử dụng phù hợp cho nước mình, triển khai các kịch bản đó bắt đầu từ quy mô nhỏ và nhân rộng khi thành công.

W-Tuan le so 2.jpg
Ông Arnaud Ginolin, Giám đốc điều hành Tập đoàn tư vấn Boston.

Thực tế, trợ lý ảo đang giúp khu vực công tại nhiều quốc gia hoạt động hiệu quả hơn. Tại Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất, trợ lý ảo đã được sử dụng trong việc giám sát đường sắt ở Dubai, giúp hỗ trợ xử lý các sự cố trễ giờ tàu.

Các công ty điện nước ở Dubai còn dùng trợ lý ảo hỗ trợ chăm sóc khách hàng, cụ thể như giúp khách hàng mở tài khoản, thanh toán hóa đơn điện nước, thậm chí là hỗ trợ phân tích tiêu dùng để hướng dẫn người dân chi tiêu hiệu quả.

Tại Phần Lan, trợ lý ảo đóng vai trò hỗ trợ việc quy hoạch đô thị, đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật và thu thập ý kiến người dân để xây dựng kế hoạch phù hợp hơn.

Theo Giám đốc điều hành BCG, những ví dụ trên cho thấy tiềm năng lớn của việc ứng dụng trợ lý ảo vào khu vực công. “Để thúc đẩy ứng dụng trợ lý ảo, việc hợp tác giữa khu vực công và tư nhân đóng vai trò rất quan trọng. Tuy vậy, trợ lý ảo không thể thay thế con người mà chỉ đóng vai trò là công cụ hỗ trợ đưa ra quyết định chính xác, hiệu quả”, ông Arnaud Ginolin chia sẻ.

Bàn cách giải quyết thách thức để tận dụng tiềm năng từ AI

Trao đổi tại phiên thảo luận bàn tròn cấp bộ trưởng về các ứng dụng của trợ lý ảo, các đại biểu đã đạt được nhận thức chung về tiềm năng to lớn của AI tạo sinh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cùng với các thách thức kèm theo như tính bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư người dùng.

W-Tuan le so 8.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT - ông Phan Tâm điều hành phiên thảo luận bàn tròn về ứng dụng trợ lý ảo. 

Bà Léocadie Ndacayisaba, Bộ trưởng Bộ Truyền thông, Công nghệ Thông tin và Đa phương tiện Burundi, kỳ vọng hợp tác quốc tế có thể giúp quốc gia châu Phi này nói riêng và các quốc gia khác bắt kịp những tiến bộ về công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Trong quá trình này, thanh niên hay giới trẻ có vai trò to lớn, khi đây là lực lượng giàu tính sáng tạo và nhiệt huyết. Bên cạnh đó, thực tiễn tại Burundi cho thấy, việc thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu nguồn vốn tài chính và cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện là những trở ngại đối với quá trình chuyển đổi số. 

W-Tuan le so 6.jpg
Bà Léocadie Ndacayisaba, Bộ trưởng Bộ Truyền thông, Công nghệ Thông tin và Đa phương tiện Burundi. 

Ông Miguel Marques Gonçalves Manetelu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Truyền thông Timor Leste, cho biết nước này đã tích hợp trợ lý ảo vào một số dịch vụ công. Tuy nhiên, để tận dụng đầy đủ tiềm năng của công nghệ cần giải quyết những khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhân lực và các nguồn tài nguyên khác.

Trên cơ sở đó, Timor Leste đã triển khai kế hoạch 10 năm - “Timor Kỹ thuật số 2032”, tập trung tích hợp CNTT vào các lĩnh vực thiết yếu, bao gồm quản trị số, giáo dục, y tế, nông nghiệp… Trong năm 2025, dự kiến dự án tuyến cáp quang ngầm của nước này khi hoàn thành sẽ “giải phóng” được sức mạnh to lớn của công nghệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

W-Tuan le so 7.jpg
Ông Miguel Marques Gonçalves Manetelu, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và Truyền thông Timor Leste.

Đồng tình về tiềm năng do AI và ứng dụng trợ lý ảo mang lại, bà Courtney Beale, đại diện đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam nhấn mạnh đến cơ hội thúc đẩy hợp tác liên ngành giữa hai nước.

Chính phủ Mỹ cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ đối tác giữa doanh nghiệp Việt và các bên liên quan trên toàn cầu, cho phép trao đổi chuyên môn và nguồn lực thúc đẩy đổi mới. Trợ lý ảo có tiềm năng to lớn trong việc nâng cao các giải pháp của khu vực công và tư nhân. Bằng cách hợp tác, các bên có thể đảm bảo các công nghệ này được triển khai một cách toàn diện, có đạo đức và an toàn”, bà Courtney nói.

Đối với những thách thức đi kèm khi ứng dụng công nghệ AI và trợ lý ảo, Mỹ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam giải quyết các bài toán thông qua sáng kiến xây dựng năng lực, chia sẻ ứng dụng thực tiễn và xây dựng chính sách cân bằng giữa đổi mới và bảo vệ quyền riêng tư cũng như bảo mật dữ liệu.

W-Tuan le so 9.jpg
Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam lần thứ 3 được tổ chức đã tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác số trong khu vực ASEAN và mở rộng quan hệ với đối tác quốc tế.

Cũng tại phiên thảo luận, đại diện điều phối Liên Hợp Quốc (UN) tại Việt Nam, bà Pauline Tamesis khẳng định: “Lịch sử tiến hóa của trợ lý ảo, từ những chatbot đơn giản cho đến các hệ thống tích hợp AI tiên tiến, đã cho thấy xu hướng công nghệ này phát triển như thế nào”. Các nền kinh tế đang phát triển có thể tạo ra “bước nhảy vọt” với công nghệ mới và “cung cấp dịch vụ trực tiếp cho những người dân đang cần nhất”.

Đại diện UN hoan nghênh việc Việt Nam đã áp dụng khuyến nghị Đạo đức AI do UNESCO ban hành năm 2021 và đánh giá: “Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để tận dụng tiềm năng chuyển đổi của nền kinh tế số nhờ tỷ lệ thâm nhập Internet cao và ngày càng tăng, tỷ lệ dân số trẻ lớn và nền kinh tế số đang bùng nổ”.

Trong khi đó, ông San Lwin, Phó Tổng Thư ký, Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN cho hay, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 có tác động sâu sắc đến mọi mặt đời sống, mang đến cả cơ hội và thách thức. Trọng tâm của cuộc cách mạng lần này là công nghệ AI. ASEAN ghi nhận đóng góp của VIệt Nam, dựa trên những ứng dụng mà Chính phủ Việt Nam đã và đang áp dụng trong chuyển đổi số vào thành công chung của khối.

Được Bộ TT&TT phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức từ ngày 19 – 22/11, Tuần lễ Số quốc tế Việt Nam - VIDW 2024 gồm 12 sự kiện chính thức cùng các sự kiện bên lề, thu hút hơn 600 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước từ gần 30 quốc gia, đại diện các tổ chức quốc tế cùng những doanh nghiệp công nghệ hàng đầu.

Các đại biểu dự VIDW 2024 sẽ tập trung thảo luận, chia sẻ các thực tiễn tốt, cách tiếp cận và sáng kiến mới để mở rộng hợp tác giữa các nước, các tổ chức, doanh nghiệp về đẩy mạnh phát triển AI và triển khai trợ lý ảo, với các chủ đề ưu tiên như ứng dụng trợ lý ảo, quản trị trí tuệ nhân tạo, Open RAN, khung pháp lý cho 5G, phát triển hạ tầng kỹ thuật số và nguồn nhân lực số…