Tạo ra cơ hội nhưng môi trường mạng ẩn chứa nhiều nguy cơ rủi ro với trẻ em
Sự phát triển mạnh mẽ của internet thời gian qua đã mang lại những hiệu quả tích cực, trong đó, trẻ em Việt Nam đã từng bước được tiếp cận và hội nhập với nền tảng internet ngày càng phát triển. Trẻ em có được cơ hội học tập, giải trí và tăng cường tương tác xã hội trên môi trường mạng internet. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu trên thế giới và tại Việt Nam đã cho thấy có không ít tác động tiêu cực, thậm chí trên môi trường mạng còn ẩn chứa nhiều nguy cơ rủi ro với trẻ em.
AI sẽ hỗ trợ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Ảnh minh họa |
Theo thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), năm 2019, trên thế giới có hơn 2,2 tỷ người dưới 18 tuổi đã truy cập internet hằng ngày, cứ ba người truy cập internet thì có một trẻ em. Việt Nam hiện có khoảng hơn 60 triệu người sử dụng internet, với 58 triệu người sử dụng mạng xã hội; trong đó, tỷ lệ trẻ em chiếm khoảng 30% tổng số người dùng internet, mạng xã hội. Không chỉ trở thành công dân số từ rất sớm, trẻ em còn hoạt động trên môi trường mạng nhiều giờ trong mỗi ngày. Và trong bối cảnh nội dung trên internet ngày càng gia tăng tình trạng lẫn lộn giữa "vàng và rác", thì việc sử dụng không gian mạng với tần suất lớn khi chưa đến tuổi trưởng thành, khiến các em vừa có thể tiếp cận những điều bổ ích, vừa luôn phải đối diện không ít nguy cơ, hiểm họa.
Hiện, Việt Nam có 68 triệu người dùng mạng xã hội, trong đó số tài khoản Facebook là 63 triệu. Hơn 1/3 trong số người sử dụng internet ở Việt Nam trong độ tuổi từ 15-24...
Tại Việt Nam, mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, đầy đủ về số lượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, tuy nhiên thực tế cho thấy, không ít trường hợp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng. Theo số liệu từ Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), trong khoảng hơn 1.500 vụ việc liên quan trẻ em mỗi năm, số lượng vụ việc về tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng ngày càng nhiều. Trong 3 năm (2017-2019), lực lượng công an đã phát hiện và xử lý 156 vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Số liệu từ Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cũng cho biết, số lượng cuộc gọi đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em đầu số 111 tăng đều hằng năm.
Việt Nam đặt trẻ em là trung tâm của sự phát triển
Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang bước vào thời đại chuyển đổi số rộng khắp, trẻ em trở thành công dân số từ rất sớm, sống trên môi trường mạng nhiều giờ/ngày, thay đổi hoàn toàn cách các em học tập, kết bạn, giao tiếp so với thế hệ cha anh.
Ảnh minh họa |
Với việc luôn đặt trẻ em là trung tâm của sự phát triển, Việt Nam là một trong những quốc gia phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền trẻ em từ rất sớm (tháng 2/1990). Theo đó, để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ rủi ro trên môi trường mạng, đã có nhiều văn bản pháp lý với những mục quy định cụ thể như: Luật trẻ em năm 2016, Luật tiếp cận thông tin năm 2016; Luật An ninh mạng năm 2018.
Cùng với đó Chính phủ, các bộ ngành cũng đã ban hành một số văn bản hướng dẫn thi hành luật, trong đó Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ cũng quy định chi tiết về Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em (Điều 33); Truyền thông, giáo dục, nâng cao năng lực về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng (Điều 34); Bảo đảm an toàn cho trẻ em trong việc trao đổi, cung cấp thông tin trên môi trường mạng (Điều 35); Các biện pháp bảo vệ thông tin bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em trên môi trường mạng (Điều 36); Các biện pháp hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng (Điều 37).
Việt Nam đã ký cam kết và cùng đưa ra Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN. Cuối năm ngoái, Việt Nam cũng đã khai trương App Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (số 111) và tổ chức Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ 6 và Diễn đàn trẻ em các cấp đã được tổ chức trong đó có chủ đề Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp sức bảo đảm quyền trẻ em
Liên qua tới bảo đảm quyền trẻ em, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 09/2017 quy định về tỷ lệ nội dung, thời điểm, thời lượng dành cho trẻ em và cảnh báo nội dung không phù hợp với trẻ em trên Đài phát thanh, Đài truyền hình, báo in, báo điện tử và xuất bản phẩm. Bên cạnh ban hành quy định pháp luật để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, các bộ ngành, tổ chức đoàn thể và từng đơn vị đã triển khai nhiều hoạt động nhằm góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an toàn cho trẻ em trên không gian mạng internet.
Cục trưởng Cục An toàn thông tin Nguyễn Thành Phúc (ngồi bên trái) và Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam ký kết kế hoạch phối hợp về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. |
Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, đầu năm nay, Cục An toàn thông tin của Bộ đã phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) đã phối hợp với xây dựng kế hoạch phối hợp phòng chống xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thông tin trên không gian mạng với cơ quan quản lý nhà nước về bảo đảm quyền trẻ em. Theo kế hoạch, các đơn vị liên quan sẽ tập trung khảo sát, đánh giá tác động của môi trường mạng; Triển khai xây dựng, hướng dẫn về bộ tiêu chí bảo vệ trẻ em trên môi trường internet.
Việc triển khai kế hoạch phối hợp còn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của cơ quan quản lý, đặc biệt là kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước sẵn sàng cùng đồng hành để bảo vệ trẻ em theo quy định của pháp luật về quyền trẻ em và về an ninh mạng, trong bối cảnh xu hướng xâm hại trẻ em trên không gian mạng ngày càng diễn biến tinh vi và phức tạp.
Với sự quyết tâm đẩy lùi những nguy cơ rủi ro đối với trẻ em trên môi trường không gian mạng và sự vào cuộc của các cấp, các ngành, sự kết hợp hài hòa giữa sức mạnh của áp dụng công nghệ tiên tiến với kiến thức, kinh nghiệm về bảo vệ trẻ em được kỳ vọng sẽ tạo nên một bước tiến mới giúp trẻ em Việt Nam được bảo vệ an toàn và phát triển lành mạnh, hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ môi trường mạng.
7 nội dung đã ký kết giữa Cục An toàn thông tin - Bộ TT&TT và Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội: 1. Nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; sửa đổi, bổ sung, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng hiệu quả và chế tài xử lý nghiêm minh hơn các loại tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. 2. Xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. 3. Xây dựng công cụ, phương tiện để bảo vệ và hỗ trợ trẻ em, giáo dục tích cực trên môi trường mạng. 4. Nâng cao hiểu biết cho trẻ em về kiến thức, kỹ năng sử dụng mạng bổ ích, an toàn, kỹ năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng và lên tiếng thông tin, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. 5. Khảo sát, đánh giá tác động của môi trường mạng; xây dựng cơ sở dữ liệu về các nội dung trên mạng phân loại theo độ tuổi; giám sát, thu thập, phân tích, cảnh báo về nguy cơ, mã độc, sự cố tấn công mạng liên quan đến bảo vệ trẻ em; xử lý, khắc phục tấn công mạng liên quan đến bảo vệ trẻ em. 6. Triển khai xây dựng, hướng dẫn về bộ tiêu chí bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. 7. Thí điểm hệ sinh thái thúc đẩy các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào xây dựng nội dung lành mạnh cho trẻ em trên môi trường mạng. |
Hồ Tú