Việt Nam - Trung Quốc, dẫu có những bước thăng trầm trong lịch sử nhưng dòng chảy chính vẫn là đoàn kết, chung tay xây dựng mối tình“Việt - Trung hữu nghị, vạn cổ trường thanh”.

Dưới sự lãnh đạo của hai Đảng Cộng sản, ngày 18/1/1950 đã đi vào lịch sử, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước với sự kiện nước CHND Trung Hoa - sau khi thành lập không lâu đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

Lịch sử 75 năm quan hệ giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước tuy có lúc thăng trầm, nhưng hữu nghị, hợp tác vẫn là dòng chảy chính như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Việt - Trung hữu nghị, vạn cổ trường thanh” (tình hữu nghị Việt - Trung đời đời xanh tươi).

viet trung.jpg
Biên phòng hai nước tuần tra liên hợp tuyến biên giới tại cặp lối mở A Pa Chải (Việt Nam) và Long Phú (Trung Quốc) hồi cuối tháng 3 năm 2024. Ảnh: Báo Biên phòng

Cùng với mối quan hệ láng giềng gần gũi lâu đời, cơ sở vững chắc của quan hệ hợp tác biên giới Việt Nam - Trung Quốc là niềm tin chính trị được thiết lập từ sự tương đồng về chí hướng kiên định con đường xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản ở mỗi nước. Niềm tin này đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đúc kết trong một phát biểu nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam tháng 12/2023: “Chặng đường gian nan và thành tựu vẻ vang của sự nghiệp xã hội chủ nghĩa không ngừng lớn mạnh của hai nước chúng ta đã chứng minh đầy đủ rằng, việc tăng cường hợp tác, đoàn kết Việt - Trung là kinh nghiệm lịch sử quan trọng của chúng ta trên con đường tiến lên vượt qua mọi thách thức, rủi ro, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Một vùng biên giới Việt - Trung hòa bình, ổn định và phát triển

Các cơ chế hợp tác song phương từ trung ương đến địa phương đã giúp hai bên duy trì sự ổn định biên giới và thúc đẩy các chương trình phát triển chung. Trong 75 năm qua, hai nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong hợp tác, giải quyết các vấn đề biên giới:

Về phân giới, cắm mốc và quản lý biên giới: Năm 1999, Việt Nam và Trung Quốc ký Hiệp ước Biên giới trên đất liền, đặt nền móng pháp lý quan trọng để giải quyết các tranh chấp biên giới tồn đọng. Năm 2009, hai nước hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc, chính thức xác định rõ đường biên giới trên thực địa. Hai bên đã phân giới xong toàn bộ tuyến biên giới đất liền Việt - Trung dài 1449,566km; cắm tổng số 1971 cột mốc (trong đó có 1 mốc ba Việt Nam - Trung Quốc - Lào; 1548 cột mốc chính; 422 cột mốc phụ).

Sau khi hoàn thành phân giới cắm mốc, Việt Nam và Trung Quốc thúc đẩy đàm phán ký 3 văn kiện: Nghị định thư phân giới cắm mốc, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền và Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Trong các văn kiện này, đường biên giới, từng cột mốc biên giới giữa hai nước được thể hiện một cách rõ ràng không chỉ bằng văn bản mô tả mà cả trên các sơ đồ và bản đồ, giúp cho mọi người đều có thể dễ dàng nhận biết được đường biên giới. Các văn kiện này cũng đã quy định rõ những nội dung công việc cụ thể của các ngành chức năng trong việc quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới; đặc biệt là thiết lập Ủy ban liên hợp biên giới để thường xuyên trao đổi và giải quyết các vấn đề nảy sinh, đảm bảo sự ổn định khu vực biên giới.

Sau 15 năm triển khai các văn kiện pháp lý này, tình hình biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc cơ bản ổn định; an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới được giữ vững. Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và các lực lượng chức năng hai bên phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, kịp thời phát hiện và xử lý ổn thỏa các sự kiện nảy sinh trên biên giới.

Về hợp tác kinh tế - thương mại khu vực biên giới: Các tỉnh biên giới Việt Nam - Trung Quốc như Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh đã được phát triển thành các cửa ngõ thương mại sôi động. Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt trên 170 tỷ USD. Hai nước đã xây dựng các khu hợp tác kinh tế xuyên biên giới, như khu hợp tác tại Đồng Đăng - Bằng Tường, Móng Cái - Đông Hưng, giúp thúc đẩy xuất nhập khẩu và chuỗi cung ứng khu vực.

Để phát huy tối đa lợi thế của đường biên giới trên đất liền giữa hai nước, cuối năm 2024, Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận hợp tác xây dựng 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng. Kết nối đường sắt sẽ trở thành kết nối chiến lược phát triển để hai nước hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất ổn định ở khu vực; thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác tiếp tục tiến triển mạnh mẽ hơn, sâu rộng và thực chất hơn.

Về hợp tác an ninh - quốc phòng: Là một trong những trụ cột của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, vai trò quan trọng của hợp tác quốc phòng trong củng cố tin cậy chiến lược luôn được quân đội hai nước nhận thức sâu sắc và hiện thực hóa bằng nhiều cơ chế, hình thức hợp tác, trong đó có hợp tác biên giới mà giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới là một chương trình trọng tâm đã được tổ chức thường niên. Hình ảnh Bộ trưởng Bộ Quốc phòng hai nước thực hiện nghi lễ chào, tô sơn cột mốc biên giới, giao lưu thân mật trong vòng tay nhân dân biên giới thể hiện quyết tâm trong hợp tác quốc phòng của hai nước và lan tỏa thông điệp mạnh mẽ về một vùng biên giới Việt - Trung hòa bình, ổn định và phát triển.

Trong hoạt động giao lưu quốc phòng biên giới, hai nước thực hiện tuần tra chung biên giới, trao đổi thông tin nhằm ngăn chặn tội phạm xuyên biên giới, buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép, bảo vệ an ninh biên giới, cuộc sống bình yên của nhân dân hai nước. Nhiều hoạt động chăm lo cho nhân dân hai bên cũng được triển khai trong mỗi chương trình giao lưu.

Về giao lưu nhân dân và hợp tác văn hóa - giáo dục: Hàng năm, hàng triệu lượt người qua lại biên giới để thăm thân, du lịch và hợp tác kinh doanh. Các mô hình kết nghĩa địa phương biên giới được triển khai gắn kết với đặc thù và phát huy thế mạnh kinh tế của địa phương hai bên như:

Kết nghĩa giữa tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tập trung vào phát triển thương mại, du lịch; cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu được nâng cấp, nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, các tour du lịch liên kết giữa Sa Pa (Việt Nam) và Côn Minh, Thạch Lâm (Trung Quốc) giúp thúc đẩy thương mại giữa hai bên. Kết nghĩa giữa tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tập trung vào giải quyết các vấn đề về biên giới, thương mại; hai địa phương đã phối hợp xây dựng cầu Bắc Luân II, thúc đẩy giao thương.

Kết nghĩa giữa tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tập trung vào hợp tác trong việc phát triển du lịch, đặc biệt là quản lý và khai thác danh thắng thác Bản Giốc - Đức Thiên; hai bên phối hợp kiểm soát biên giới, phòng chống tội phạm và thúc đẩy thương mại qua các cửa khẩu Trà Lĩnh, Sóc Giang.

Kết nghĩa giữa tỉnh Hà Giang (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) tập trung vào hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và giao lưu văn hóa; hai bên tăng cường phối hợp trong bảo vệ biên giới, phòng chống buôn lậu và tội phạm xuyên biên giới…

Không ngừng vun tưới bằng những mạch nguồn quan trọng

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, quan hệ hợp tác biên giới Việt Nam - Trung Quốc vẫn đối diện với một số thách thức, đòi hỏi hai bên phải tiếp tục kiên trì đối thoại và hợp tác thực chất. Để tình hữu nghị Việt - Trung đời đời xanh tươi, hai nước cần không ngừng vun tưới bằng những mạch nguồn quan trọng:

Tăng cường tin cậy chính trị thông qua duy trì thường xuyên tiếp xúc cấp cao, thực hiện hiệu quả, thực chất thỏa thuận song phương và thúc đẩy các cơ chế đối thoại ngoại giao, quốc phòng.

Thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, mở rộng các khu hợp tác kinh tế qua biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và đầu tư.

Kiểm soát tốt các bất đồng về biên giới, giải quyết các vấn đề phát sinh trên nguyên tắc hòa bình, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau.

Tăng cường giao lưu nhân dân, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, giáo dục, giúp người dân hai bên biên giới hiểu biết và gắn kết hơn.

Quyết tâm tiếp tục vun đắp tình hữu nghị giữa hai nước đời đời xanh tươi đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tái khẳng định mạnh mẽ trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc tháng 8/2024: “Việt Nam và Trung Quốc cần tiếp tục xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai, củng cố nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống và thúc đẩy hợp tác toàn diện”. Cũng trong chuyến thăm này, lãnh đạo hai Đảng đã xác định, lấy năm 2025 - năm Kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, là “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam - Trung Quốc”.

Khởi động “Năm giao lưu nhân văn Việt Nam-Trung Quốc”, trong cuộc điện đàm ngày 15/1/2025 với Tổng Bí thư Tô Lâm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình khẳng định: Đảng, Nhà nước Trung Quốc ưu tiên phát triển quan hệ với Việt Nam trong chính sách ngoại giao láng giềng.

Nhất quán với quan điểm này, trong chương trình “Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam - Trung Quốc các thời kỳ” tổ chức ngày 20/3/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam nhất quán coi trọng và ưu tiên hàng đầu, quyết tâm cùng Đảng, Nhà nước Trung Quốc phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Đây là sự tiếp nối và phát triển tinh thần “Việt - Trung hữu nghị, vạn cổ trường thanh”, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Việt Nam trong xây dựng quan hệ ngoại giao với Trung Quốc trong thời gian tới, góp phần đưa quan hệ hợp tác biên giới nói riêng, quan hệ hợp tác hai nước nói chung ngày càng ổn định, phát triển bền vững.

Các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao giữa hai nước, đặc biệt là chuyến thăm cấp Nhà nước lần thứ hai tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sắp tới là minh chứng rõ nét cho sự coi trọng đặc biệt quan hệ của Trung Quốc dành cho Việt Nam. Bên cạnh đó, các chương trình giao lưu, hợp tác đang được Đảng, Nhà nước, nhân dân Việt Nam và Trung Quốc xúc tiến triển khai trong năm 2025 sẽ làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, nội hàm hóa và phong phú hóa hơn mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai nước.

Châu Thành