- Việc tập đoàn ONGC của Ấn Độ hợp tác với công ty VN thăm dò dầu khí ở Biển Đông hoàn toàn là hành động thương mại - Ngoại trưởng Ấn Độ nói với người đồng nhiệm TQ.
Trao đổi trong khoảng một giờ bên lề hội nghị ba bên Nga - Ấn Độ - Trung Quốc (RIC), Ngoại trưởng Ấn Độ S.M. Krishna và người đồng nhiệm Dương Khiết Trì nhấn mạnh cần sớm có cuộc gặp về Đối thoại Hàng hải để “xoa dịu” những điểm nóng.
Ảnh: baynews |
Với việc tập đoàn ONGC của Ấn Độ hợp tác với công ty Việt Nam thăm dò dầu khí ở Biển Đông, ông khẳng định, đó hoàn toàn là hành động thương mại mà không mang bất kỳ ý nghĩa chính trị nào.
Trước đó, ngày 25/3, báo Press Trust of India dẫn lời Vụ phó Vụ châu Á Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vĩ Đông cảnh báo Ấn Độ không được thăm dò dầu khí ở Biển Đông vì đây là khu vực tranh chấp.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Kế hoạch - Khoa học - Công nghệ Ấn Độ Ashwani Kumar ngày 12/4 nhấn mạnh, Biển Đông là tài sản của thế giới, không ai có quyền đơn phương kiểm soát vùng biển này. Ông Kumar tuyên bố Ấn Độ có đủ khả năng để bảo vệ các lợi ích tài chính và chiến lược của quốc gia.
Hôm 6/4, Ngoại trưởng Krishna cũng đưa ra phát biểu tương tự, nói rằng Biển Đông thuộc sở hữu toàn thế giới, không nước nào được can thiệp cản trở hoạt động thương mại tại đây.
Những nguồn tin chính thức cho biết, hai bộ trưởng cũng cảm thấy rằng, diễn biến các cuộc hội đàm về Trung Á, Tây Á và châu Phi cần được hoàn thành sớm. Đó là những khu vực có sự giao nhau giữa các lợi ích của Trung Quốc và Ấn Độ. Hai bên nhất trí nối lại hội đàm Ấn - Trung về Giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Ông Dương đảm bảo với người đồng nhiệm Krishna rằng, Trung Quốc sẽ khuyến khích các công ty đầu tư vào những dự án cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ. Hai bên còn trao đổi về nhiều vấn đề, có trong chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an gồm Syria và Triều Tiên.
Ông Dương đã mời Ngoại trưởng Ấn Độ thăm Trung Quốc.
Thái An (theo The Hindu, AP, Reuters)