Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định thành lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Đây là công ty mẹ được tổ chức theo mô hình công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2/2021.

Vietnam Exchange có tên viết tắt là VNX, trụ sở chính đặt tại Hà Nội, nắm giữ 100% vốn điều lệ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, HNX sẽ có nhiệm vụ tổ chức, vận hành TTCK phái sinh, thị trường giao dịch trái phiếu và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác theo quy định pháp luật. Trong khi đó, HOSE sẽ có nhiệm vụ tổ chức, vận hành thị trường giao dịch cổ phiếu và thị trường giao dịch các loại chứng khoán khác theo quy định của pháp luật.

{keywords}
Thị trường chứng khoán trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế.

Ngoài ra, hai sở HoSE và HNX sẽ có các nhiệm vụ khác như như Giám sát hoạt động giao dịch chứng khoán; giám sát hoạt động công bố thông tin của tổ chức niêm yết; Đầu tư, triển khai phát triển hệ thống công nghệ, phát triển sản phẩm mới theo nhiệm vụ được giao; Cảnh báo, kiểm soát, hạn chế giao dịch chứng khoán theo quy định pháp luật; Tạm ngừng, đình chính giao dịch đối với một hoặc một số chứng khoán trong trường hợp giá, khối lượng giao dịch chứng khoán có biến động bất thường; Chấp thuận, thay đổi, hủy bỏ niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán; Cung cấp dịch vụ đấu giá, đấu thầu; Báo cáo Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam, kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử lý các hành vi vi phạm giao dịch,...

Câu chuyện lập Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam đã được đưa ra gần 10 năm nay nhằm từng bước nâng cao vai trò, vị trí của thị trường chứng khoán với mục đích đưa thị trường này trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế; hỗ trợ tích cực cho thị trường tiền tệ trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Sự phân tán TTCK Việt Nam thành hai sàn giao dịch, hai nhóm công ty niêm yết khiến tốc độ trưởng thành của TTCK Việt Nam chậm lại những năm qua. Nó khiến chi phí của các cá nhân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế tăng lên.

Việc tồn tại hai sở giao dịch gây ra sự bất tiện. Không ít sở GDCK các nước phải có quan hệ hợp tác song song với hai sở chứng khoán Việt Nam. Việc tồn tại hai sở GDCK cũng bị coi là một điểm trừ khi quốc tế xem xét nâng hạng TTCK Việt Nam vì thị trường chưa đủ lớn và chưa thống nhất về quy mô cũng như các chỉ tiêu chất lượng. Đây là một trong những lý do TTCK Việt Nam đến nay vẫn là thị trường cận biên (frontier market) chứ không phải thị trường mới nổi (emerging market).

Với việc hợp nhất hai sở, quy mô vốn hóa chung cả thị trường cổ phiếu hiện ở mức khoảng 170 tỷ USD.

M. Hà