Chia sẻ với Góc nhìn thẳng, GS Trần Ngọc Vương cho rằng, trước sự phát triển mạnh mẽ hoạt động họp họ, cần có nghiên cứu chuyên sâu cả về mặt tích cực và tiêu cực để có chính sách xã hội phù hợp.
Xem thêm các đối thoại khác tại chuyên mục Góc nhìn thẳng
Bên cạnh những giá trị truyền thống, ý nghĩa tốt đẹp, văn hóa họp họ đang có những biến tướng. Rất nhiều người không có họ hàng với nhau cũng bị mời đi họp ở quy mô cả nước chỉ vì có họ giống nhau.
Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet đã có cuộc trao đổi với GS TS Trần Ngọc Vương, nhà nghiên cứu văn hoá và lịch sử tư tưởng phương Đông xung quanh câu chuyện này. GS Vương hiện là giảng viên Khoa Văn, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Xin mời bạn đọc theo dõi cuộc trao đổi tại clip dưới đây:
Nhà báo Vũ Lụa: Chào Giáo sư, xin Giáo sư chia sẻ, truyền thống họp họ có nguồn gốc và ý nghĩa như thế nào?
GS. Trần Ngọc Vương: Vấn đề họ tộc thực ra là vấn đề rất lớn của Chấu Á và rộng hơn nữa là của nhân loại từ xưa đến nay.
Với Châu Á, nó thường gắn với đặc điểm của sự phát triển xã hội liên quan đến là phương thức sản xuất châu Á, trong đó vai trò của quan hệ huyết tộc là hết sức quan trọng.
Họp họ, trong lịch sử, tôi chưa thấy loại hoạt đông kiểu như vậy. Trong mấy chục năm trở lại đây người ta mới đặt ra câu chuyện họp họ và bắt tất cả những họ ở quy mô từ cấp xóm, xã cho đến quy mô cấp trung ương. Tôi cho rằng câu chuyện nhận họ theo họ cha cũng không công bằng hoàn toàn nhưng nếu nhận cả họ mẹ, họ vợ và mình là người đại diện đi họp nữa thì tính chất họp họ trở nên buồn cười. Bởi, nếu tính theo quan hệ thông gia thì ta cứ tính một đứa trẻ tính đến đời ông đã có 6 bậc tôn trưởng cần quan tâm nên như vậy mối quan hệ huyết tộc sẽ mở ra không biết đến bao giờ.
Về mặt lịch sử, chúng ta biết rằng một con người sau một thế hệ thì quan hệ họ tộc mở ra theo cấp lũy thừa, mở dòng họ ra đến 9 đời như truyền thống hoặc người ta chửi “72 cánh họ” chẳng hạn thì đó là câu chuyện của lịch sử ngày xưa.
Nhà báo Vũ Lụa: Thưa Giáo sư, bên cạnh những ý nghĩa tích cực, ngày nay họp họ đang có những biến tướng, nhiều dòng họ gửi giấy mời đến các ông to bà lớn để thể hiện sự hoành tráng, sau đó là nhờ vả, xin tài trợ, quyên góp, tổ chức ban bệ, liên hoan hội họp linh đình …Thậm chí có nhiều người không liên quan đến nhau về huyết thống, chỉ là cùng có chung tên họ cũng kêu gọi nhau họp toàn quốc, ăn uống, đóng góp linh đình? Giáo sư có bình luận như thế nào về những hiện tượng này?
GS Trần Ngọc Vương: Không thể chối cãi rằng, đó là những biểu hiện tiêu cực, những biểu hiện thiếu lành mạnh. Nhưng họ không có cái đó, thì không có phương tiện khác, hoặc ít nhất là người ta cũng chưa tìm ra cách thức khác để mà cố kết lại với nhau. Chuyện nhận họ như tôi đã nói họ đằng cha, họ đằng mẹ, họ đằng vợ, họ đằng dâu rể lung tung, cứ nhận như thế thì cũng đẻ ra lắm chuyện buồn cười. Nhưng tác động của nó không chỉ ở chuyện tiêu cực, tại hại, như là ăn uống, họp hành, linh đình mà là chuyện móc ngoặc, chia chác nhau ở những lợi ích khác, rồi thao túng quyền lực, thao túng xã hội, bằng những mối quan hệ dường như là mối quan hệ huyết thống. Mà tôi gọi nó từ lâu là quan hệ huyết thống giả. Và theo ý tôi thì về cơ bản, những cái đó chỉ mang ý nghĩa tàn dư, có tác động tai hại là chính đối với sự phát triển xã hội hơn là một sự phát triển bình thường và lành mạnh.
Quan hệ dòng họ còn có liên quan đến câu chuyện khác đó là sự ràng buộc, chế định lẫn nhau để các cá nhân không phát huy hết các giá trị đích thực của mình mà kiềm chế hoặc bung phá một cách vô nguyên tắc. Chẳng hạn như: Huyện nhà ta, tỉnh nhà ta mà thời gian gần đây, báo chí có nói đến. Phục hồi cái đó là phục hồi cái mô hình chuyên chế theo tinh thần thế tộc huyết thống.
Tôi đã lên tiếng nhiều lần về chuyện cảnh giác đối với chuyện mở rộng một cách vô nguyên tắc quan hệ văn hóa họ tộc.
Nhà báo Vũ Lụa: Thưa Giáo sư, theo ông, làm thế nào để có thể bớt đi những biến tướng tiêu cực trong văn hóa họp họ hiện nay?
GS Trần Ngọc Vương: Câu chuyện dòng họ, câu chuyện rộng hơn là quan hệ, mối quan hệ tự nhiên giữa các cá thể liên quan đến vận mệnh quốc gia, đó là những câu chuyện rất lớn từ trong lịch sử. Tiếc thay là cách nghiên cứu lịch sử của chúng ta chưa triển khai theo hướng này, cho nên những hiểu biết về nó vẫn còn rất lơ mơ.Tôi nghĩ rằng, trước hết là phải có một nghiên cứu cơ bản về những chuyện đó.
Thứ 2, là liên tục phải có những cái đánh giá và có những thẩm định lại các kết quả nghiên cứu. Cái gì tích cực hay tiêu cực phải biến thành chính sách xã hội, và cao hơn nữa là phải biến thành những nguyên tắc của luật pháp thì mới có thể thu hút, đánh động mối quan tâm của toàn bộ xã hội.
Và tôi nhắc lại là, ai trong xã hội thì cũng không thể thoát khỏi quan hệ dòng họ nhưng rõ ràng có đại tôn, có tiểu tôn, có họ lớn, có họ bé, có họ là danh gia vọng tộc mà cũng có những dòng họ nói như dân gian là 3 đời ăn củ chuối. Thế thì, những dòng họ 3 đời ăn củ chuối chẳng nhẽ để cho họ theo quán tính ấy, để cho họ cứ hui hút mãi sao, thân phận không ngóc đầu lên được sao ? cho nên đấy là những vấn đề của công bằng xã hội, của lịch sử chi phối.
Tôi cho rằng đã đến lúc cần phải triển khai theo chiều sâu vấn đề này ở quy mô nghiên cứu lớn và đồng thời cũng phải khẩn trương đặt ra thành những vấn đề có tính chính sách xã hội và cao hơn nữa là nếu thấy cần thiết đưa vào trong cái gọi là những nguyên lý lập pháp của xã hội thì lúc đấy mới giải quyết được vấn đề
Nhà báo Vũ Lụa: Xin cảm ơn Giáo sư về những chia sẻ bổ ích !
VietNamNet