- Họp họ mỗi năm tổ chức một lần nhưng con cháu chỉ đến khoe của, ăn uống, đá xéo nhau rồi ai về nhà nấy.
Khoe của và đá xéo nhau
Lần đầu tiên về quê chồng dự họp họ, chị Hồng Vân (Ba Đình, Hà Nội) rất hào hứng bởi chị coi đó như một cơ hội để làm thân với họ hàng trong họ. Thế nhưng, mọi thứ diễn ra lại không như chị tưởng tượng.
“Tôi cứ nghĩ là họp họ thì toàn người thân quen nhưng đến nơi thì rất nhiều người lạ, có người tận miền Nam ra, hỏi chồng cũng không biết là ai. Trong tưởng tượng của tôi thì họp họ là ở nhà thờ tổ, làm mâm cơm cúng rồi con cháu quây quần trò chuyện. Nhưng thực tế họp họ diễn ra như một cái đám cưới, dựng rạp ra tận ngõ, hàng mấy chục mâm, mâm nào đủ thì ngồi vào ăn, ăn xong thì đi về, không trò chuyện gì cả”, chị Vân kể.
|
Cỗ bàn họp họ linh đình như đám cưới, đủ mâm, ăn xong ai về nhà nấy! (Ảnh mang tính chất minh họa) |
Điều khiến chị Vân ngán ngẩm nhất là khi chị ra chào hỏi mọi người lớn tuổi trong họ cho phải phép thì mọi người chỉ chăm chăm hỏi chị làm ở đâu, kiếm bao nhiêu tiền một tháng, rồi kiếm cớ khoe con cháu họ làm ở ngân hàng, đi du học về kiếm mấy ngàn đô một tháng, khoe chuyện mua nhà Hà Nội…
“Trước lúc ăn, thấy ban thư ký lên đọc thu chi trong năm vừa qua và danh sách góp quỹ mới. Ai mà góp quỹ nhiều thì đọc đầy đủ tên tuổi, địa chỉ rồi kêu đứng lên cho mọi người cùng vỗ tay, ai góp ít thì đọc lướt, thấy cứ sao sao”, chị Vân chia sẻ.
“Mẹ chồng mình kể, có năm còn xảy ra đánh nhau, cãi nhau, có những người ghét nhau từ các cuộc họp họ như thế. Vì họ đông, tứ xứ mỗi người một nơi, năm về gặp nhau một lần, tư duy, suy nghĩ khác nhau, người giàu người nghèo, quan điểm không giống nhau nên dễ sinh cãi vã. Bác trưởng họ thì nghèo nên không có tiếng nói, họp họ toàn ban thư ký đứng ra tổ chức”, chị Vân nói thêm.
Ăn xong ai về nhà nấy
Anh Nguyễn T.(Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết dòng họ Nguyễn N. ở Đông Hưng, Thái Bình của anh vẫn tổ chức họp họ khi có việc quan trọng, cụ thể là các việc liên quan tới mối quan hệ họ hàng anh em dòng tộc, ma chay hiếu hỉ của thành viên trong họ hoặc họ gần.
Theo anh T., việc họp họ bây giờ chỉ mang tính hình thức chứ không còn ý nghĩa gắn kết mọi người, cùng giải quyết các công việc trong dòng họ như xưa. Con cháu thờ ơ với chuyện họp họ, coi đó là việc của “bề trên”. Anh em trong dòng họ cũng không còn thân thiết như xưa, việc ai nấy lo, thậm chí còn không biết mặt nhau.
“Cái tôi thấy ngán nhất đó là dù thảo luận thế nào thì bác trưởng họ vẫn là người ra quyết định cuối cùng và sự gia trưởng đôi khi làm mâu thuẫn phát sinh giữa các thành viên trong họ.
Một điểm nữa là bác trưởng nhu nhược quá, dẫn tới việc đất đai của ông bà bị chú út chiếm mà không còn đất để làm nhà thờ họ. Sự gắn kết giữa bác trưởng và các thành viên khác không khăng khít nên không xảy ra sự đấu tranh nào hết. Họp rồi lại ai về nhà nấy, không giải quyết được việc gì cả”, anh T. chia sẻ.
“Họ Nguyễn N. quê gốc ở Thuận Thành, Bắc Ninh, do chiến tranh bom đạn nên chuyển về Thái Bình nên gia phả không có, nhà thờ tổ cũng không có. Cảm giác như mất gốc nên tôi không thấy hứng thú với việc họp họ”, anh chia sẻ thêm.
Kim Minh
Bạn đã từng tham gia sự kiện họp dòng họ? Mọi câu chuyện xin gửi theo email [email protected] hoặc mẫu phản hồi dưới đây! Trân trọng cảm ơn! |