- Chất lượng đề thi và tính nghiêm túc đằng sau sự yên ả của kỳ thi là 2 vấn đề chính được báo giới quan tâm tại buổi họp báo kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2017 được Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 24/6.

Trao đổi tại họp báo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga - Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia 2017 - nhận định kỳ thi đã được tổ chức thành công.

Theo đó, việc tổ chức một loại cụm thi ở mỗi tỉnh, thành phố do sở GD-ĐT địa phương chủ trì, các trường về phối hợp là đổi mới căn bản về phương thức tổ chức thi và tuyển sinh theo hướng tích cực.

{keywords}
Thứ trưởng Bùi Văn Ga chủ trì họp báo. Ảnh: Lê Văn

Cách thức này đã đạt được hiệu quả, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực, khách quan và công bằng, tạo được niềm tin của xã hội về tính công bằng của kết quả thi để các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng trong tuyển sinh.

Số liệu của Bộ GD-ĐT cũng cho hay, năm nay toàn kỳ thi chỉ có 72 thí sinh vi phạm quy chế bị đình chỉ thi trong khi năm 2016 có tới 328 thí sinh.

Điều này được giải thích là nhờ việc đổi sang thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan ở hầu hết các bài thi, trừ môn Ngữ văn, mỗi thí sinh trong cùng một phòng có một mã đề riêng nên khó có thể trao đổi hay có hành vi gian lận.

Việc thí sinh chọn các bài thi KHXH cao hơn bài thi KHTN cũng là tín hiệu cho thấy việc đổi mới phương thức thi từ thi theo môn sang thi theo bài, từ tự luận chuyển sang trắc nghiệm đã tác động tích cực trở lại quá trình dạy và học, khắc phục dần tình trạng học lệch, học tủ và làm cho môn KHXH trở nên gần gũi hơn với thí sinh.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, những đổi mới theo lộ trình 3 năm vừa qua đến năm nay đã đạt được mục tiêu. Do đó, từ năm 2017 trở đi, phương thức tổ chức kỳ thi sẽ ổn định về cơ bản trong những năm sắp tới.

{keywords}
Đông đảo phóng viên tham gia buổi họp báo.

Băn khoăn về chất lượng đề thi

Buổi họp báo bắt đầu nóng lên khi các phóng viên đưa những vấn đề từ thực tiễn đặt vấn đề với cơ quan chức năng.

Phóng viên báo Tuổi Trẻ TP. HCM nêu câu hỏi về độ đồng đều giữa các đề thi, từ phản ánh của nhiều giáo viên rằng “độ khó của các mã đề ở môn Lịch sử là không tương đương nhau”.

Phóng viên báo Thanh Niên dẫn ví dụ đề toán có những câu hỏi mà đến các giáo viên dạy toán cũng không tìm ra được cách giải và đặt câu hỏi liệu có nên đưa vào một đề thi THPT quốc gia hay không.

VietNamNet thắc mắc với những phản ánh về chất lượng đề thi như vậy, việc chấm thi và sau này là việc xét tuyển đại học sau này sẽ được xử lý như thế nào?

Nhiều phóng viên cũng nêu lại việc đề thi Vật lý phải đính chính ở 7 mã đề.

{keywords}
Quang cảnh buổi họp báo

Trả lời về chất lượng đề thi, ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục - thành viên Ban đề thi cho biết – năm nay, Bộ GD – ĐT chủ trương xây dựng ngân hàng đề thi chuẩn hóa.

Khi đó, tất cả đề thi đã được thử nghiệm với chính học sinh để biết độ khó dễ của câu hỏi qua thực tế, chứ không phải chỉ dựa vào cảm nhận. Tiếp theo, câu hỏi này lại được thử nghiệm để cân bằng độ khó giữa các đề thi.

"Bộ đã chọn thử nghiệm ở 5 tỉnh với hơn 20.000 học sinh lớp 12 để thực hiện quá trình này" - ông Hồng cho hay.

Theo ông Hồng, mã đề thi được hình thành khi đảo 4 khối câu hỏi ở 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Việc đảo câu hỏi sẽ chỉ đảo trong 4 khối này. Vì vậy, sẽ có những cụm câu hỏi có độ khó tương đương nhau về mặt cấp độ và thường cấp độ 4 nằm ở cuối.

Trong quá trình xây dựng, hội đồng ra đề sẽ rút từ ngân hàng câu hỏi theo ma trận của đề thi. Vì vậy, theo lý thuyết khảo thí thì chỉ tính được độ khó của cả bài thi chứ không thể so sánh từng câu hỏi để nói rằng đề thi này khó hơn đề thi kia được.

Đối với phần đính chính ở 7 mã đề môn Vật lý, ông Sái Công Hồng cho rằng, điều này thể hiện tính nghiêm túc của ban đề thi và phần đính chính này kèm theo đề thi và không gây ảnh hưởng tới thí sinh.

"Năm này là năm đầu tiên đổi mới nên có thể chưa tròn trịa, chưa trơn bóng thì năm sau có thể tròn trịa hơn và trơn bóng hơn nhưng quan trọng là vẫn hướng đến mục đích công bằng, nhẹ nhàng cho thí sinh" - ông Hồng nói.

{keywords}
Ông Sái Công Hồng

Liên quan tới đề thi môn Ngữ văn hiện đang gây tranh cãi quanh từ “thấu cảm”, cũng như việc chấm bài, Bộ GD-ĐT cho rằng, việc chấm điểm môn Ngữ văn như thế nào thì sau khi có đáp án sẽ có có câu trả lời.

Tiếp tục nhận được câu hỏi cho vấn đề này, ông Hồng khẳng định, đã làm việc với tổ ra đề Ngữ văn và được khẳng định đề thi văn chính xác, không có sai sót. Còn việc lấy ngữ liệu ở đâu, tiêu chí chọn ngữ liệu thế nào thì đã có quy trình làm đề thi, ma trận đề thi và điều này thì “không thể nói được”.

Tính nghiêm túc của kỳ thi: Còn là ẩn số

Bên cạnh đề thi, vấn đề được đặc biệt quan tâm là tính nghiêm túc, khách quan của kỳ thi khi năm nay, kỳ thi được giao cho các Sở GD-ĐT địa phương chủ trì.

Phóng viên truyền hình VTC14 nêu lại sự việc bắt được thí sinh sử dụng tai nghe siêu nhỏ công nghệ cao để thực hiện hành vi gian lận ở THPT Quốc Oai, Hà Nội từ môn thi đầu tiên nhưng tới môn thi thứ 2 thì cán bộ giám sát hành lang mới phát hiện được, chứ giám thị trong phòng thi hoàn toàn không biết.

Như vậy, liệu kỳ thi có được tổ chức thực sự khách quan và công bằng hay không khi mà cần đến một giám sát với 14 năm kinh nghiệm mới phát hiện được chứ không phải là giám thị?

Phóng viên Thanh Niên dẫn lại con số thí sinh vi phạm kỷ luật rất ít của năm nay để đặt câu hỏi, liệu đây có phải là do việc giao cho các địa phương chủ trì khiến việc coi thi chưa thực sự nghiêm túc như dư luận băn khoăn?

{keywords}
Ông Mai Văn Trinh

Trả lời vấn đề tính nghiêm túc, khách quan của kỳ thi, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục khẳng định, hoàn toàn có cơ sở để đảm bảo kỳ thi có độ tin cậy.

Theo ông Trinh, qua đánh giá của thí sinh, phụ huynh, cũng như phản của chính các phương tiện truyền thông, trật tự trường thi được đảm bảo an toàn, không xảy ra sự cố gì.

Bên cạnh đó, việc tổ chức kỳ thi bằng các bài thi trắc nghiệm với quy tắc mỗi thí sinh trong phòng thi có một mã đề khác nhau đã triệt tiêu động lực của các em trong tiêu cực.

"Khi có kết quả thi, Bộ sẽ công bố phổ điểm và phổ điểm sẽ là minh chứng rõ hơn về tính tin cậy của kỳ thi năm nay”- ông Trinh nói.

Trong khi đó, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, thành viên Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia, cũng khẳng định, qua việc kiểm tra và trao đổi với các đồng nghiệp, có thể nhận định kỳ thi diễn ra an toàn, yên ả, kỷ luật phòng thi được thực hiện nghiêm chỉnh.

"Với những nỗ lực cố gắng trong kỳ thi vừa qua, chúng tôi tin rằng có thể yên tâm độ tin cậy của kỳ thi để xét tuyển vào đại học" - ông Sơn khẳng định.

{keywords}
Ông Hoàng Minh Sơn

Mặc dù nhận được câu trả lời khẳng định từ 2 thành viên Ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia, song các băn khoăn vẫn tiếp tục được nêu lên.

Phóng viên báo Thanh Niên cho rằng quan niệm về tính an toàn của kỳ thi của Bộ GD-ĐT chỉ phù hợp với khoảng 5-7 năm trước - khi việc thi cử vẫn còn nhiều lộn xộn, chưa ổn định.

Việc cử cán bộ ĐH về địa phương phối hợp cũng không thể đảm bảo chắc chắn kỳ thi sẽ nghiêm túc ở tất cả các địa phương vì nhận thức về sự cần thiết của kỳ thi này cho việc xét tuyển ĐH của các trường ĐH là hoàn toàn khác nhau.

"Bộ GD-ĐT khẳng định đây là kỳ thi an toàn, nghiêm túc nhưng đó là nhận định từ bên ngoài phòng thi. Còn bên trong phòng thi thì vẫn còn là một ẩn số" - một phóng viên của báo Tuổi Trẻ nhìn nhận.

Trả lời câu hỏi của Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay: Những năm tiếp theo căn bản sẽ thi tốt nghiệp như kỳ thi 2017 – do kỳ thi đã đạt được mục tiêu mong muốn của việc đổi mới thi và tuyển sinh. Có thể thay đổi một số vấn đề kỹ thuật như sắp xếp câu hỏi, điều chỉnh độ dài độ khó... chẳng hạn thí sinh có thể làm trên máy. Cấu trúc đề thi, nội dung thi không thay đổi gì nhiều. “Chúng ta có thể hoàn thiện thêm và không làm thay đổi, không ảnh hưởng tới cách học cách dạy và cái như xã hội nói là thay đổi liên tục”.


Trả lời câu hỏi: "
Theo dõi buổi họp báo được tường thuật trực tiếp trên VietNamNet, một độc giả gửi tới ban chỉ đạo thắc mắc có nhất thiết phải thi tốt nghiệp THPT?", Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: "Theo quy định của Luật Giáo dục thì tốt nghiệp THPT là của các Sở GD-ĐT. Còn tuyển sinh theo quy định của Luật Giáo dục Đại học là của trường đại học. Hiện nay, nếu không thi hoặc thi tốt nghiệp THPT riêng thì các trường đại học sẽ có phương án tuyển sinh của họ. Việc thi tốt nghiệp hay không là việc của Sở, Bộ GD-ĐT chỉ ban hành các quy định. Việc điều chỉnh, thay đổi sau này nếu có sẽ tuân thủ theo quy định của pháp luật".

Theo báo cáo do Thứ trưởng Bùi Văn Ga trình bày, kỳ thi có 865.866 thí sinh đăng ký được tổ chức tại 2.364 điểm thi với 36.809 phòng thi, huy động gần 90.000 cán bộ tham gia, trong đó số cán bộ, giảng viên đến từ các trường ĐH, CĐ là gần 40.000 người, ít hơn so với năm 2016 (năm 2016 có hơn 60.000 người).

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho biết tỉ lệ thí sinh tới dự thi rất cao, đạt trên 99% (môn: Ngữ văn: 99.53%; Toán 99,43%; Vật lí: 99.49%; Hóa học: 99.47%; Sinh học: 99.63%; Ngoại Ngữ: 99.60%; Lịch sử: 99.34%; Địa lý: 99.40%; GDCD: 99.62%). 

Bộ cũng đưa ra dữ liệu cho thấy năm nay tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm khoảng 74%, cao hơn năm ngoái khoảng gần 5%. 

Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi Khoa học Xã hội tăng cao, chiếm trên 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi.

Đặc biệt có 514.084 (59.32%) thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử, trong khi từ năm 2016 về trước chỉ có chưa đến 15% thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử.

Số thí sinh vi phạm quy chế giảm đi nhiều so với những năm trước. Trong đợt thi chỉ có 72 thí sinh bị đình chỉ thi (năm 2016 có 328 thí sinh bị đình chỉ thi).Cả đợt thi chỉ có 2 cán bộ coi thi bị nhắc nhở vì vi phạm quy chế thi.

"Đi thi như đi học" - là một cụm từ xuất hiện trong báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo.

Lê Văn - Thanh Hùng