Quảng cáo không đúng là gian dối trong mua bán
Sau vụ việc AnyCar - một showroom bán ô tô đã qua sử dụng có tiếng tại Hà Nội bị khách hàng "bóc phốt" vì bán chiếc Honda City đã bị tua lại công tơ mét (ODO) tới hơn 120.000km vẫn khẳng định "không lừa dối khách hàng", các chuyên gia pháp lý đã có ý kiến.
Trao đổi với VietNamNet, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh thông Luật (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, khi khách hàng là anh T. đến mua xe tại showroom AnyCar Long Biên, hai bên đã có những thoả thuận, cam kết liên quan đến mua bán chiếc Honda City, đây hoàn toàn là vấn đề về dân sự.
Theo luật sư Bình, dựa trên quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thoả thuận dân sự được hiểu là việc mà các bên bàn về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Đối với việc mua bán xe, giữa các bên đã thoả thuận xác lập với nhau về giá cả, tiền cọc và chất lượng của xe.
"Trường hợp như của khách hàng T. mua ô tô tại AnyCar, khi nhận xe và đi kiểm tra lại có chất lượng khác so với quảng cáo ban đầu, cụ thể là xe quảng cáo mới chạy 6,6 vạn km nhưng sau thực tế thì đã chạy được hơn 18 vạn km. Do đó, có thể có căn cứ cho rằng phía cung cấp xe đã vi phạm thoả thuận dân sự", luật sư Diệp Năng Bình nhận định.
Đồng thời, vị chuyên gia pháp lý này dẫn chứng thêm, tại khoản 9, Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 sửa đổi bổ sung năm 2018 nghiêm cấm hành vi “Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố”.
"Như vậy hành vi quảng cáo rằng xe mới chạy 6,6 vạn km trong khi thực tế kiểm tra đã chạy được 18 vạn km trước hết có thể được xem là hành vi quảng cáo không đúng về hàng hoá, đồng thời có thể là hành vi gian dối trong việc mua bán nhằm mục đích lừa dối khách hàng", luật sư Bình khẳng định.
Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, dựa theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, "lừa dối khách hàng" được hiểu là hành vi gian dối của người bán hàng trong việc mua bán gây thiệt hại cho khách hàng. Ở đây phải có chi tiết "gây thiệt hại cho khách hàng" thì mới cấu thành hành vi "lừa dối khách hàng".
Khách hàng có quyền khởi kiện nếu không được giải quyết thoả đáng
Tiếp tục phân tích dưới góc nhìn pháp lý về vụ việc trên, luật sư Diệp Năng Bình trích dẫn, theo quy định tại khoản 1, Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Do đó, khi có căn cứ cho rằng việc khách hàng đã bị lừa dối khi mua hàng dẫn tới việc phải trả với một mức giá cao hơn so với thực tế thì trước hết, khách hàng có thể tiến hành thương lượng yêu cầu phía cung cấp bồi thường bằng cách trả lại tiền cho mình.
Trường hợp các bên không thể thoả thuận được thì có thể tiến hành khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu bồi hoàn lại số tiền đã trả khi mua phải hàng quảng cáo sai sự thật tới Toà án nơi có tranh chấp.
Ngoài ra, nếu hành vi lừa dối khách hàng có dấu hiệu tội phạm thì khách hàng có thể tiến hành viết đơn tố cáo, tố giác tội phạm gửi đến cơ quan chức năng có thẩm quyền về tội lừa dối khách hàng (Điều 198) hoặc tội quảng cáo gian dối (Điều 197) Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trước đó, như VietNamNet đã thông tin, anh T. đăng tải thông tin lên một số diễn đàn ô tô về việc anh mới mua một chiếc Honda City phiên bản TOP 1.5 AT, đăng ký tháng 10/2017 tại một showroom của AnyCar ở quận Long Biên (Hà Nội), với số km đã sử dụng hiển thị trên đồng hồ và cả thông tin từ showroom đều là 66.276km.
Kiểm tra kỹ tình trạng xe thấy không có vấn đề gì, đồng thời nghĩ showroom ô tô này bán xe lâu năm, có tiếng ở Hà Nội cùng nhiều cam kết như xe không đâm đụng, ngập nước, không thế chấp ngân hàng,... nên anh T. đã nhanh chóng chuyển tiền mua xe với giá 395 triệu đồng.
Tuy nhiên, sau khi đã mua bán xong và mang vào hãng Honda để tra cứu lịch sử sửa chữa, khách hàng này "hết hồn" khi thấy số ODO thực tế mà hãng cung cấp lên tới 184.940km, tức là gấp 2,8 lần thông tin mà AnyCar đưa ra. Con số bị tua ngược ăn gian tới hơn 120.000km.
"Gần 20 vạn "tua" còn 6 vạn (km), đến thợ hãng còn phải ngạc nhiên, không nghĩ một đơn vị có tiếng như vậy lại tua công tơ mét nhiều đến thế. Mình có hỏi lại bên đó thì được phản hồi là không biết, do chủ cũ tua. Mình nghĩ là các cửa hàng xe cũ đều check hãng hết trước khi nhập xe, thực sự quá thất vọng", anh T. chia sẻ.
Phản hồi với báo chí sau đó, bà Nguyễn Thị Thanh - Giám đốc kinh doanh AnyCar Long Biên cho biết, chiếc Honda City này được một khách hàng ký gửi từ ngày 4/7, đồng thời cung cấp các giấy tờ liên quan và trên đó thể hiện rằng ODO của chiếc Honda City tại thời điểm đơn vị này tiếp nhận đúng là 66.276km.
"Công ty không lừa dối khách hàng về số ODO mà chỉ đơn thuần ghi nhận theo con số trên xe. Mốc 66.276km thể hiện xuyên suốt tất cả văn bản làm việc của chúng tôi, từ lúc tiếp nhận xe ký gửi tới khi lưu kho và đăng thông tin rao bán. Không có chuyện chúng tôi nhập xe rồi tua ODO xuống thấp", Giám đốc kinh doanh của AnyCar Long Biên chia sẻ.
Cũng theo thông tin mới đây từ Anycar Long Biên, khi nắm được sự việc đã chủ động liên hệ với khách hàng để làm việc trực tiếp theo tinh thần cầu thị. Đồng thời khẳng định đơn vị này không lừa dối khách, không tua công-tơ-mét và không vi phạm bất kỳ cam kết nào với người mua.
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn nào về nội dung trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Mời bạn đọc cộng tác, gửi tin bài về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!