Tại hòn đảo nhỏ bé này, cứ 10 người thì có tới 9 người béo phì, thừa cân.
Hiện, trên toàn cầu có khoảng 2,6 tỷ người, chiếm 38% dân số thế giới, đã bị thừa cân hoặc béo phì. Tuy nhiên, theo xu hướng hiện tại, con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 4 tỷ người (51%) trong vòng 12 năm nữa. Theo báo The Guardian, đây là ước tính của Liên đoàn Béo phì thế giới.
Báo cáo của Liên đoàn Béo phì Thế giới (WOB) cho biết, tỷ lệ thừa cân hoặc béo phì đặc biệt tăng nhanh ở trẻ em và tại những quốc gia có thu nhập thấp. Những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) là 25 được coi là thừa cân, BMI từ 30 trở lên được đánh giá là béo phì. Bằng chứng cho thấy, béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, bệnh tim và các bệnh khác.
Chủ tịch WOB Louise Baur mô tả xu hướng trên là một lời cảnh báo rõ ràng và cho rằng các nhà hoạch định chính sách cần phải hành động ngay để ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn. Nếu không sử dụng rộng rãi các chiến thuật như thuế và giới hạn quảng cáo thực phẩm không lành mạnh, số người béo phì lâm sàng sẽ tăng mạnh vào năm 2035.
Theo báo cáo hàng năm mới nhất của WOB, béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên đang gia tăng nhanh hơn so với người lớn. Đến năm 2035, tỷ lệ này dự kiến cao ít nhất gấp đôi so với năm 2020, lên tới 208 triệu bé trai và 175 triệu bé gái bị béo phì. Tỷ lệ béo phì ở các bé trai và nam thiếu niên dưới 18 tuổi dự kiến tăng 100%, nhưng ở nữ, tỷ lệ này còn cao hơn - ở mức 125%.
WOF cũng ước tính chi phí xã hội cho các vấn đề sức khỏe liên quan đến thừa cân cũng sẽ tiêu tốn 4.000 tỷ USD vào năm 2035, tương đương 3% GDP toàn cầu.