Sự phát triển của TMĐT với các hình thức mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến đã thúc đẩy thanh toán số ở VIệt Nam. Theo báo cáo từ các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử (TMĐT) lớn thứ 2 khu vực Đông Nam Á với dân số trẻ và lượng người dùng Internet đông đảo.

Thanh toán trên điện thoại khi đi mua sắm, cà phê với bạn bè ngày càng trở nên quen thuộc. Ảnh: Duy Vũ

Số liệu từ các cơ quan quản lý cho thấy, Việt Nam hiện đang có khoảng 75 triệu người dùng Internet và nhiều người tiêu dùng sẵn sàng với dịch vụ kỹ thuật số. Số lượng người tiêu dùng trực tuyến ở Việt Nam tăng nhanh qua từng năm. Năm 2020 tại Việt Nam, có khoảng 49,3 triệu người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến.

Từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới. Trong đó, có tới hơn một nửa đến từ các khu vực không phải thành phố lớn.  Ước tính, số lượng người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam lần đầu tiên có thể chạm mốc 60 triệu, chiếm tới gần 74,8% số người sử dụng Internet. Với con số này, Việt Nam là thị trường có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao thứ 2 trong khu vực.

Theo số liệu của Meta vừa công bố mới đây, Việt Nam nằm trong các quốc gia thuộc nhóm đầu về khả năng tiếp nhận các công nghệ mới. Có tới 8/10 dân số tiêu biểu là người tiêu dùng kỹ thuật số. Đây là giai đoạn người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam sử dụng nhiều nền tảng hơn bao giờ hết với sự thống trị của thị trường TMĐT chiếm 51% chi tiêu trực tuyến, trong khi các mạng xã hội chiếm gần một nửa lượng khám phá trực tuyến, trong đó có 16% là hình ảnh, 22% video trên mạng xã hội (22%)...

Quét mã QR để mua hàng rất nhanh chóng. Ảnh: Duy Vũ

Nghiên cứu của Meta cũng nhận định, người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam ngày càng hiểu biết hơn, chuyển đổi các thương hiệu thường xuyên hơn và tăng số lượng nền tảng mà họ sử dụng để tìm kiếm giá trị tốt hơn, với 22% số đơn hàng trực tuyến được thực hiện trên các nền tảng thương mại điện tử khác nhau.

Số lượng người dùng các nền tảng trực tuyến tiếp tục gia tăng mỗi năm. Nghiên cứu cho thấy con số này đã tăng lên gấp đôi, từ 8 nền tảng trong năm 2021 lên tới 16 nền tảng trong năm 2022.

Các tập đoàn lớn đánh giá cao triển vọng phát triển của thị trường khi người dùng Việt Nam nằm trong nhóm các thị trường đứng đầu về tỷ lệ đón nhận các công nghệ tương lai như công nghệ tài chính (fintech) và metaverse, bên cạnh Indonesia và Philippines. 

Theo thống kê của Meta, có tới 58% người tiêu dùng số tại Việt Nam đã sử dụng các giải pháp thanh toán trực tuyến (gồm: Ngân hàng trực tuyến, ví điện tử, ứng dụng chuyển tiền, ngân hàng số toàn năng…) trong năm vừa qua. 
 
“Việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số ở Việt Nam đang ở nhiều thời điểm chín muồi và chủ yếu được thúc đẩy bởi tính năng và sự tiện lợi”, Meta đánh giá. 

Người dùng cũng có thể sử dụng các hình thức thanh toán mới khi mua vé máy bay. Ảnh: Duy Vũ

Cùng với đó, Chính phủ cũng đặt ra nhiều mục tiêu lớn trong việc thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, góp phần thúc đẩy kinh tế số nói chung.

Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng điểm chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm.

 Đề án cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20-25%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50-80%/năm và giá trị giao dịch đạt 80-100%/năm; tốc độ tăng trưởng bình quân số lượng và giá trị giao dịch qua kênh Internet đạt 35-40%/năm; tỉ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.