Cũng theo Bộ Tài chính, việc triển khai hệ thống VNACCS/VCIS đã rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan, thời gian tiếp nhận và thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1-3 giây; đối với hàng luồng vàng, thời gian xử lý và kiểm tra hồ sơ không quá 2 giờ làm việc.
Cùng với hệ thống hải quan điện tử - VNACCS/VCIS, thời gian qua, ngành tài chính cũng đã tập trung phát triển các hệ thống ứng dụng phục vụ các nghiệp vụ cốt lõi khác của ngành như: hệ thống ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS); hệ thống quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS).
Cụ thể, hệ thống kê khai thuế điện tử được triển khai và vận hành tại 63/63 Cục thuế và toàn bộ các Chi cục Thuế trực thuộc trên toàn quốc. Tính đến cuối năm ngoái, đã có 99,64% doanh nghiệp hoạt động sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử, 93,69 % doanh nghiệp hoàn thành đăng ký dịch vụ nộp thuế điện tử với ngân hàng.
“Việc triển khai và nâng cấp thường xuyên các ứng dụng phục vụ người nộp thuế đã giúp người nộp thuế có thể khai thác thông tin thuận lợi nhất phục vụ cho việc thực hiện nghĩa vụ thuế, tự kê khai, nộp thuế và kiểm soát được tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của mình, đồng thời tránh được rủi ro trong quá trình kinh doanh”, báo cáo của Cục Tin học Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính) nêu rõ.
Với hệ thống quản lý ngân sách và kho bạc - TABMIS, hệ thống này đã được triển khai áp dụng ổn định từ năm 2012 tại các cơ quan thuộc Bộ Tài chính, các cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện tại 63 tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc, 37 Bộ, ngành, 3 Sở, ban, ngành của Hà Nội.
Đồng thời, hệ thống trao đổi thông tin thu nộp thuế đã được triển khai tới các cơ quan tài chính, kho bạc, thuế, hải quan trên phạm vi toàn quốc, hệ thống kết nối thanh toán điện tử với các ngân hàng và phối hợp thu Ngân sách Nhà nước với các ngân hàng thương mại đã được triển khai đến toàn bộ các đơn vị kho bạc trên phạm vi toàn quốc.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, thông qua việc triển khai các hệ thống này đã hỗ trợ rất lớn đối với quá trình cải cách quản lý tài chính công, vừa thúc đẩy, vừa tạo điều kiện cho tiến trình cải cách cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ theo hướng công khai, minh bạch.
Đặc biệt, thống kê cho thấy, khối lượng thu ngân sách nhà nước trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước đã giảm từ 92% tổng số chứng từ năm 2013 xuống còn 20% tổng số chứng từ năm 2016; khối lượng tiền mặt nộp tại Kho bạc Nhà nước cũng đã giảm từ 78% tổng số tiền năm 2013 xuống còn 33% tổng số tiền năm 2016.
Việc đẩy mạnh kết nối với các ngân hàng đã cung cấp cho người dân, doanh nghiệp một kênh thanh toán an toàn, hiệu quả, nhanh chóng, tiện lợi, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cùng với việc tiếp tục duy trì, nâng cấp, bổ sung, mở rộng các hạ tầng kỹ thuật đã thiết lập từ giai đoạn trước, đáp ứng yêu cầu triển khai các ứng dụng nghiệp vụ theo mô hình tập trung, có quy mô toàn quốc, trong thời gian qua, ngành Tài chính cũng đã đẩy mạnh cung cấp thông tin, dịch vụ hành chính công trực tuyến cho các đơn vị có quan hệ với ngân sách, người dân và doanh nghiệp, gắn chặt ứng dụng CNTT trong công tác quản lý tài chính với cải cách thủ tục hành chính.
Tính đến nay, toàn ngành đã xây dựng được một hệ thống Cổng thông tin điện tử bao gồm Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính và 110 Cổng/Trang thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ (tính đến cấp Cục).
Toàn bộ các thủ tục hành chính công, các dịch vụ công trực tuyến đã được tích hợp tập trung, thống nhất trên chuyên trang “Bộ Thủ tục hành chính và Dịch vụ công trực tuyến” trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính. Đến hết năm 2016, tổng số thủ tục hành chính tại Bộ Tài chính đã triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 910 thủ tục, trong đó có 104 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 239 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Nỗ lực đẩy mạnh phát triển ứng dụng CNTT của ngành Tài chính đã được ghi nhận, trong 4 năm liên tiếp từ 2013 đến 2016 Bộ Tài chính luôn dẫn đầu bảng xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Index) ở khối các bộ, ngành, cơ quan Trung ương. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, ngành Tài chính xác định sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, xây dựng hệ thống CNTT đồng bộ giữa cơ quan tài chính các cấp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, công khai, minh bạch hoạt động trên môi trường mạng phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính.