Sắp hoàn thành mục tiêu 100% bộ, tỉnh triển khai mô hình 4 lớp
Trao đổi với ICTnews, đại diện Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cũng cho biết, hiện chỉ còn 2 bộ và 1 địa phương chưa triển khai đảm bảo an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp.
“Chúng tôi đang đốc thúc và khả năng sẽ hoàn thành đúng tiến độ với yêu cầu 100% bộ, ngành, địa phương đảm bảo an toàn thông tin theo 4 lớp chuyên nghiệp trong năm 2020”, đại diện Cục An toàn thông tin cho hay.
Bình Phước là 1 trong những bộ, ngành, địa phương đã hoàn thành việc triển khai đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp chuyên nghiệp. |
Bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp thống nhất từ trung ương đến địa phương là một trong những định hướng quan trọng của an toàn, an ninh mạng Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới. Đây là định hướng đã được Thủ tướng Chính phủ đưa ra cho các bộ, ngành, địa phương tại Chỉ thị 14 ngày 07/6/2019 về tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam.
Mô hình bảo đảm an toàn thông tin chuyên nghiệp 4 lớp gồm: Lực lượng tại chỗ; Tổ chức hoặc doanh nghiệp giám sát, bảo vệ chuyên nghiệp; Tổ chức hoặc doanh nghiệp độc lập kiểm tra, đánh giá định kỳ; Kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát quốc gia.
Ngay từ đầu năm nay, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục An toàn thông tin đã xác định việc hướng dẫn và thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương triển khai đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp chuyên nghiệp là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, phải được tập trung thực hiện.
Cụ thể, để đẩy nhanh tiến độ, trong các tháng đầu năm 2020, Bộ TT&TT đã đồng hành cùng các doanh nghiệp phát triển nền tảng cung cấp dịch vụ Trung tâm điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Theo công bố của Bộ TT&TT hồi đầu tháng 7/2020, đã có 8 doanh nghiệp gồm: Viettel, VNPT, BKAV, FPT IS, CMC Cyber Security, CyRadar, VNCS Global và SAVIS cung cấp nền tảng dịch vụ SOC đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.
Thực tế, các nền tảng SOC do doanh nghiệp Việt Nam phát triển đã và đang hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương rút ngắn 90% khối lượng, thời gian triển khai mô hình 4 lớp. Bởi lẽ, với việc chọn sử dụng nền tảng cung cấp dịch vụ SOC đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin, các bộ, tỉnh đã bảo đảm hoàn thành 2 lớp quan trọng trong mô hình 4 lớp là lớp 2 và lớp 4.
Số liệu thống kê của Cục An toàn thông tin cũng cho thấy, kể từ giữa năm 2020 đến nay, tỷ lệ các bộ, tỉnh triển khai đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp đã tăng từ 19% trong tháng 6 lên 43% vào tháng 7, đạt 61,5% trong tháng 8. Hai tháng gần đây, tỷ lệ này tiếp tục được nâng lên trên 70% vào đầu tháng 10 và hiện đạt 96,4%.
692 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống của Việt Nam trong tháng 11
Đề cập đến tình hình đảm bảo an toàn thông tin mạng trong các cơ quan nhà nước thời gian gần đây, đại diện Cục An toàn thông tin khẳng định, công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử đã và đang tiếp tục được đẩy mạnh.
Trong 11 tháng đầu năm 2020, đã có 4.853 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam (Ảnh minh họa) |
Theo thống kê, trong tháng 11/2020, đã ghi nhận 692 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 18,9% so với tháng 10/2020 chủ yếu ở loại hình tấn công Malware (cài mã độc).
Cụ thể, trong 692 sự cố tấn công mạng vào các hệ thống của Việt Nam trong tháng 11/2020, có 113 cuộc Phishing (tấn công lừa đảo), 153 cuộc Deface (tấn công thay đổi giao diện) và 426 cuộc Malware.
Cùng với đó, tính đến cuối tháng 11/2020, số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng botnet (mạng máy tính ma) là 1.186.534 địa chỉ, giảm 13,9% so với tháng 10/2020.
Lý giải về sự gia tăng trở lại số cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam trong tháng 11/2020, các chuyên gia Cục An toàn thông tin nhận định, nguyên nhân chủ yếu do các tội phạm mạng lợi dụng tình hình người dân quan tâm tới các vấn đề nóng như cứu trợ bão lũ tại miền Trung, họp Quốc hội, bầu cử Tổng thống Mỹ… để đẩy mạnh việc tấn công Malware nhằm phá hoại và đánh cắp thông tin trái phép.
Số lượng địa chỉ IP botnet tiếp tục giảm đáng kể so với tháng trước đã cho thấy dấu hiệu khả quan về khả năng hướng dẫn xử lý, rà quét bóc gỡ mã độc, khi liên tục giảm liên tiếp trong 6 tháng gần đây.
“Để đảm bảo an toàn thông tin mạng, thời gian tới Cục An toàn thông tin sẽ tiếp tục tăng cường công tác giám sát, chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết và phòng tránh”, đại diện Cục An toàn thông tin chia sẻ thêm.
Vân Anh
Diễn đàn Security Bootcamp sẽ lần đầu có “Đấu trường an toàn thông tin”
Có chủ đề về con người, diễn đàn an toàn thông tin mạng - Security Bootcamp 2020 sắp được tổ chức tại Phú Yên. Năm nay, hoạt động diễn tập sẽ lần đầu diễn ra theo cách thức mới với tên gọi “Đấu trường an toàn thông tin”.