MobiFone cho biết, những hình ảnh thông tin cá nhân bị lộ lọt chủ yếu qua các vật dụng tưởng chừng “vô tri vô giác” như camera. Hơn 90% camera này có xuất xứ từ Trung Quốc và đều có mã trong phần mềm để đồng bộ với máy chủ nên khả năng lộ thông tin ra bên ngoài là rất cao. Nguồn: Internet

Đại diện Cục An toàn thông tin của Bộ TT&TT cho hay, chỉ cần truy cập trang web shodan và thử gõ từ khoá tìm kiếm camera ở Việt Nam. Kết quả cho thấy có 1.452 camera đang bị phơi bày trên mạng, từ nhà riêng cho đến nơi công cộng, với các cảnh sinh hoạt hàng ngày. Khi biết được thông tin cá nhân, kẻ gian có thể khai thác rất sâu vào đời tư của người đó và sẽ gây ra những hậu quả khó lường.

Quan ngại về vấn đề này, đại diện MobiFone cho biết, những hình ảnh thông tin cá nhân bị lộ lọt chủ yếu qua các vật dụng tưởng chừng “vô tri vô giác” như camera, thiết bị đang được sử dụng rất nhiều ở Việt Nam, không chỉ các hộ gia đình mà cả chính quyền. Hơn 90% camera này có xuất xứ từ Trung Quốc và đều có mã trong phần mềm để đồng bộ với máy chủ. Do đó đối với các camera, khả năng lộ thông tin cá nhân ra bên ngoài là rất cao.

Bình luận về vấn đề này, ông Ngô Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Bkav cho biết: “Hiện nay trên thị trường Việt Nam và các nước khác hầu hết camera đều có xuất xứ từ Trung Quốc nên việc kiểm soát an toàn, an ninh thông tin là điều đáng phải quan tâm. Thậm chí một số dòng camera hoạt động theo cơ chế Cloud, có nghĩa là kết nối về server đặt tại Trung Quốc và người dùng ở Việt Nam phải "vòng" qua server này trước khi kết nối vào camera của mình".

Mở rộng hơn về vấn đề này, ông Trần Quang Chiến, CEO Công ty CyStack nhấn mạnh, camera là một trong những thiết bị quan trọng nhất trong các hệ thống giám sát-nhận diện, thành phố thông minh, ngôi nhà thông minh... phục vụ cho đời sống của người dân. Việc các doanhh nghiệp Việt nam chủ động phát triển các thiết bị này với chất lượng tốt và đảm bảo an toàn là hết sức cần thiết, việc này cũng sẽ giảm thiểu được các nguy cơ lộ dữ liệu nhạy cảm cho người dùng. Tuy nhiên, việc nghiên cứu và phát triển các thiết bị này sẽ mất nhiều thời gian.

“Trong giai đoạn hiện nay, tôi nghĩ rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam mình nên có các tiêu chuẩn và quy định để đánh giá được chất lượng, tính an toàn của các nhà cung cấp các thiết bị camera này không chỉ từ Trung Quốc mà cả các nhà cung cấp đến từ các quốc gia khác. Đặc biệt là các thiết bị được dùng trong các hệ thống giám sát an ninh, thu thập thông tin của cơ quan nhà nước và các hệ thống quan trọng”, ông Trần Quang Chiến nói.

Theo ông Nguyễn Minh Đức, CEO Cyradar, các cơ quan nhà nước nên lựa chọn kỹ hơn khi sử dụng camera, không nên dùng loại camera lưu trữ trên cloud của nhà sản xuất để đảm bảo an toàn an ninh thông tin. Theo Luật An ninh mạng của Việt Nam thì không cho phép lưu trữ dữ liệu của người dùng ra bên ngoài Việt Nam.

Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần có những cảnh báo và biện pháp quản lý về vấn đề mất an toàn an ninh thông tin như những quy chuẩn về những loại camera được lưu hành trên thị trường hay cơ chế bảo mật thông tin người dùng.