Hoạt động này nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. UBND huyện Mường Ảng đã chỉ đạo rà soát, lập danh sách đúng đối tượng. Trong 196 hộ thuộc diện được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở có 159 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà mới và 37 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà.
Đến cuối tháng 7, toàn huyện Mường Ảng có 155 nhà đang thực hiện xây mới, 37 nhà đang sửa chữa. Tổng kinh phí giải ngân hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo làm nhà, sửa chữa nhà ở là 6,736 tỷ đồng (đạt 74,4% kế hoạch vốn giao).
Mường Ảng là một trong những huyện còn nhiều khó khăn của tỉnh Điện Biên, với 17 dân tộc anh em sinh sống; trong đó dân tộc Thái chiếm 70%, dân tộc Mông 14,5%. Năm 2024, huyện Mường Ảng tiếp tục triển khai có hiệu quả các nội dung dự án, tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo nơi đây.
Ngày 19/9, tại buổi giám sát các chương trình MTQG trên địa bàn huyện Mường Ảng do Thường trực HĐND tỉnh thực hiện, lãnh đạo huyện cho biết tính đến 30/6, thu nhập bình quân đầu người của huyện tăng lên 34,5 triệu đồng/người/năm, tăng gần 10 triệu so với năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 30,4%, vượt kế hoạch giao. Các dịch vụ xã hội cơ bản của huyện được đầu tư, hỗ trợ góp phần quan trọng nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội để người dân được thụ hưởng.
Các dự án, tiểu dự án của chương trình mục tiêu giảm nghèo đã và đang triển khai thực hiện trên địa bàn huyện cùng với các chương trình, chính sách khác đã giúp cơ sở hạ tầng của huyện, xã, dần được hoàn thiện, kinh tế - xã hội phát triển theo hướng tích cực, hiệu quả.
Tỉnh Điện Biên đang tổng lực các giải pháp hướng tới mục tiêu năm 2025, hai huyện Mường Ảng và Tuần Giáo thoát nghèo. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể để hỗ trợ 2 huyện này bằng nhiều giải pháp như tập trung nguồn lực, sắp xếp thứ tự ưu tiên lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp...
Mường Ảng thực hiện 10 dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo liên kết theo chuỗi giá trị trong cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm quả cà phê Catimor và chè hữu cơ cho 692 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ làm kinh tế giỏi.
Tại huyện này, cây cà phê đang chứng tỏ lợi thế là "cây giảm nghèo", giúp đồng bào các dân tộc Mường Ảng có công ăn việc làm ổn định, mang lại thu nhập không chỉ cho người trồng cà phê mà còn tạo việc làm cho người dân làm thuê chăm sóc cây, hái quả tại địa bàn. Mỗi ngày công hái, chăm sóc cà phê dao động từ 250.000đ - 300.000 đồng/ngày công.
Tỷ lệ hộ nghèo giảm vượt kế hoạch, nhưng tỷ lệ giảm nghèo đa chiều (bao gồm cả hộ cận nghèo và hộ nghèo) mới đạt khoảng 80% kế hoạch. Thông tin từ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho thấy giai đoạn 2021-2023 tỷ lệ giảm hộ nghèo của huyện đạt cao (7,96%) nhưng tỷ lệ giảm nghèo đa chiều lại khá thấp (4,97%).
Nguyên nhân cơ bản khiến tỷ lệ giảm nghèo đa chiều chưa đạt như kỳ vọng là do tỷ lệ hộ thoát nghèo không bền vững còn khá cao. Trong tổng số 3.580 hộ thoát nghèo và thoát cận nghèo, chỉ có 1.276 hộ vượt chuẩn cận nghèo; 1.644 hộ nghèo chỉ thoát diện cận nghèo và có 660 hộ rơi xuống hộ nghèo (chiếm 18,4% tổng số hộ thoát nghèo, cận nghèo).
Bên cạnh đó, hiện tiến độ thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần của chương trình giảm nghèo năm 2024 chậm tiến độ, nhất đối với vốn sự nghiệp. Một số nguồn vốn không giải ngân được như vốn hỗ trợ lao động đi xuất khẩu lao động; tỷ lệ giải ngân vốn kéo dài sang năm 2024 của chương trình giảm nghèo bền vững mới đạt 2,4%.
Để khắc phục khó khăn, điểm nghẽn trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, huyện Mường Ảng chú trọng chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phải chủ động lồng ghép nguồn vốn đầu tư, thực hiện chương trình giảm nghèo, hỗ trợ nhân dân giảm nghèo hiệu quả.
Từ nay đến cuối năm 2024, để giảm nghèo đa chiều, bền vững hiệu quả, huyện Mường Ảng tập trung chỉ đạo thực hiện 5 nhóm giải pháp. Trong đó, huyện chú trọng tiếp tục quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giảm nghèo bền vững trong đó tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thực hiện mục tiêu thoát nghèo.