Tham dự ngày hội có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường và nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, thành phố Hà Nội.
Chương trình khai mạc lúc 7h sáng 6/10 với nghi lễ dâng hương trang nghiêm tại Vườn hoa Tượng đài Vua Lý Thái Tổ và xung quanh không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm để tưởng nhớ công lao to lớn của các bậc tiền nhân đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô.
Sự kiện là Ngày hội lớn của Hà Nội, điểm nhấn quan trọng trong các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) và 25 năm đón nhận danh hiệu Thành phố vì hòa bình của UNESCO.
Điểm nhấn của sự kiện là màn tái hiện sống động 60 ngày đêm chiến đấu trong lòng Hà Nội - bản hùng ca mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc.
Sân khấu chính được dàn dựng công phu, tái hiện hình ảnh đoàn quân tiến về Hà Nội trong thời khắc lịch sử ngày 10/10/1954.
Khoảnh khắc hào hùng này được thể hiện qua những màn biểu diễn thực cảnh quy mô lớn, với sự tham gia của gần 1.000 chiến sĩ cùng 200 nghệ sĩ, diễn viên múa.
Lực lượng diễu hành và trình diễn là nghệ nhân và nhân dân của 30 quận, huyện, thị xã; các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công và các tầng lớp nhân dân Thủ đô, bạn bè quốc tế.
Hơn 8.000 người, trong đó có 5.000 người dân và đại diện các lực lượng địa phương đã tham gia vào màn diễu hành, trình diễn những loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc.
Khán giả đã được thưởng thức những di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO và quốc gia công nhận, cùng nét đẹp văn hóa truyền thống của Thủ đô như: Múa sênh tiền, múa Bài Bông, Ải Lao, múa rồng Giảo Long, chèo tàu Tổng Gối, ca trù, múa rối nước, hát xẩm và các di sản tín ngưỡng như thờ Tản Viên Sơn Thánh, Hai Bà Trưng, Thánh Gióng.
Chương trình được chia làm ba phần chính: Ký ức Hà Nội, Dòng chảy di sản, và Hà Nội: Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo.
Mỗi phần đều mang một thông điệp riêng, góp phần tạo nên bức tranh toàn cảnh về Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử, từ quá khứ hào hùng đến hiện tại đổi mới và tương lai tươi sáng.
"Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình" lan tỏa giá trị lịch sử và văn hóa của Thủ đô đến với cả nước và bạn bè quốc tế. Đây không chỉ là dịp để Hà Nội khẳng định vị thế của một thành phố lịch sử, văn hóa mà còn là trung tâm du lịch, kinh tế, chính trị quan trọng của cả nước.
Sự kiện này cũng là một phần trong chiến lược phát triển các sản phẩm công nghiệp văn hóa, góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa và phát triển kinh tế bền vững cho Thủ đô.
"Ngày hội Văn hóa vì Hòa bình" không chỉ là một sự kiện lịch sử, mà còn là nơi hội tụ và giao lưu văn hóa lớn nhất giữa các nghệ nhân, nghệ sĩ và nhân dân đại diện cho 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô.