Theo thông  tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Chính phủ vừa ra Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư 21 Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, tổng số vốn để thực hiện 20 Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 được giao cho 11 Bộ, ngành (gồm: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Y tế, Công an, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, GD&ĐT, Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, TT&TT) chủ trì triển khai là hơn 1.139.235 tỷ đồng.

Riêng với Chương trình mục tiêu Biển Đông - Hải đảo bảo đảm cho lĩnh vực Quốc phòng an ninh trên biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020, Chính  phủ yêu cầu thực hiện theo Quyết định số 610/QĐ-TTg ngày 8/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Đối với Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ TT&TT chủ trì, nguồn vốn thực hiện Chương trình được Chính phủ phê duyệt là 7.920 tỷ đồng.

Trước đó, trong quý III/2015, Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016 - 2020 do Bộ TT&TT xây dựng, đã được thông qua về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ nguồn vốn ngân sách nhà nước tại Nghị quyết 1023 ngày 28/8/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết  định 40 ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.

Theo chia sẻ của đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ TT&TT) tại“Hội nghị trực tuyến về công tác chuẩn bị thực hiện Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016 - 2020” diễn ra ngày 19/7, việc thực hiện Chương trình mục tiêu CNTT giai đoạn 2016 - 2020 sẽ giúp khắc phục những khó khăn, bất cập, hạn chế về ứng dụng, phát triển CNTT trong thời gian qua trong ứng dụng CNTT, công nghiệp CNTT, An toàn thông tin; Quán triệt thực hiện các chỉ đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng dụng và phát triển CNTT;

Bên cạnh đó, Chương trình cũng sẽ đảm bảo sự chủ động và nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ quan trọng về ứng dụng CNTT của các cơ quan nhà nước; Góp phần thực hiện 3 đột phá chiến  lược gồm hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; Tiếp tục phát huy những thành công đã đạt được và hiệu quả đầu tư  trong thời gian qua cho ứng dụng và phát triển CNTT; đồng thời huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển CNTT Việt Nam.

Nội dung đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu về CNTT giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ TT&TT nêu rõ, với phạm vi đầu tư là các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các dự án thuộc đối tượng hỗ trợ đầu tư của Chương trình, mục tiêu tổng quát của Chương trình này là nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động  của các cơ quan nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến  từ Trung ương đến địa phương; nâng cao năng lực đảm bảo an toàn thông tin quốc gia và xác thực điện tử; phát triển ngành công nghiệp CNTT thông qua việc phát triển các khu CNTT trọng điểm và các sản phẩm CNTT trọng điểm.

Đặc biệt, trong 3 lĩnh vực mà Chương trình mục tiêu về CNTT giai đoạn 2016 - 2020 sẽ đầu tư phát triển gồm: Ứng dụng CNTT, An toàn thông tin và Công nghiệp CNTT, Bộ TT&TT cũng đưa ra các mục tiêu cụ thể cho từng lĩnh vực.

Cụ thể, về ứng dụng CNTT, mục tiêu là đến năm 2020, 100% các Bộ, cơ quan ngang, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP); Đáp ứng kết nối trên 50% các hệ thống thông tin của các Bộ, ngành, địa phương có nhu cầu thì được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu quốc gia; 30% hồ sơ thủ tục hành chính của các địa phương được xử lý trực tuyến tại mức độ 4; trên 50% hồ sơ thủ tục hành chính cần trao đổi giữa các bộ phận một cửa liên thông được trao đổi qua môi trường mạng (căn cứ Quyết định 1819/QĐ-TTg); Hoàn thành xây dựng hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương (NGSP) để kết nối các hệ thống dịch vụ của các Bộ,ngành, địa phương đã sẵn sàng.

Với lĩnh vực ATTT, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, cùng với việc đưa Việt Nam ra khỏi danh sách 20 quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại cao nhất trên thế giới theo xếp hạng của các tổ chức quốc tế, Chương trình cũng phấn đấu để trên 80% hệ thống thông tin từ cấp độ 3 trở lên của các địa phương được áp dụng phương án bảo đảm ATTT phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 có giải pháp xác thực điện tử tập trung; và tối thiểu 50% cổng thông tin điện tử của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giám sát ATTT mạng trong đó ưu tiên cho các tỉnh ở địa bàn khó khăn, chưa tự cân đối được ngân sách.

Đối với lĩnh vực Công nghiệp CNTT, mục tiêu cụ thể được Bộ TT&TT đề xuất là từ nay đến năm 2020 hỗ trợ xây dựng ít nhất 7 khu công nghiệp CNTT tập trung. Đồng thời, hỗ trợ nghiên cứu, phát triển đối với ít nhất 3 sản phẩm phần cứng điện tử thuộc lĩnh vực vi mạch, chíp bán dẫn; ít nhất 6 sản phẩm nền tảng dùng trong cơ quan nhà nước và xã hội; ít nhất 1 sản phẩm nội dung số phục vụ cơ quan nhà nước.