Thống kê của Cục quản lý Dược, Bộ Y tế, hệ thống dược Việt Nam đang quản lý khoảng 61.900 cơ sở bán lẻ thuốc, trong đó có 19.100 nhà thuốc, 39.000 quầy thuốc và 3.800 tủ thuốc.
Tuy nhiên hệ thống quản lý thuốc ở Việt Nam còn lỏng lẻo, ở đâu người dân cũng mua được kháng sinh do trạng mua bán thuốc không kê đơn quá dễ, nên việc kiểm soát chất lượng thuốc nhập vào, bán ra cũng không chặt chẽ dẫn đến tỉ lệ kháng thuốc rất cao so với thế giới.
Trước thực trạng đó, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020, cũng như lên kế hoạch triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc.
Đây được coi là giải pháp hữu hiệu giúp người dân thuận tiện tra cứu thông tin về nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả từng loại thuốc. Cơ quan Nhà nước có thêm công cụ quản lý thuốc trên phạm vi toàn quốc, kiểm soát việc kê đơn, mua bán thuốc theo đơn, tăng cường công khai, minh bạch trong việc quản lý thuốc.
Đến đầu 2020, nếu cơ sở bán lẻ thuốc nào chưa kết nối cơ sở dữ liệu dược quốc gia sẽ buộc phải đóng cửa |
Theo lộ trình của Chính phủ và Bộ Y tế, nếu đến đầu năm 2020 các cơ sở bán lẻ thuốc không kết nối được theo quy định của Luật Dược cũng như Thông tư số 02/2018/TT-BYT về thực hành tốt các cơ sở bán lẻ thuốc thì sẽ phải dừng việc buôn bán thuốc.
Hiện tại, đã có khoảng 41.000 cơ sở bán lẻ thuốc kết nối, liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu dược quốc gia, chiếm hơn 66%. Thời điểm tháng 9/2018, con số này mới có 2.000 nhà thuốc.
Hệ thống “Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia” bao gồm dashboard theo dõi kết quả liên thông dữ liệu; quản lý kho quốc gia; quản lý hoạt động nhập xuất, kinh doanh của từng nhà thuốc; truy xuất nguồn gốc và hoạt động nhập, xuất, tồn, bán hàng của từng thuốc, từng lô; quản lý hóa đơn; quản lý đơn thuốc; kiểm tra được hạn sử dụng, cảnh báo thuốc sắp hết hạn; công khai được API cho liên thông dữ liệu; chuẩn hóa danh mục 52.000/60.000 loại thuốc.
Để thực hiện đề án kết nối các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn quốc, từ tháng 5/2018, Bộ Y tế đã áp dụng mô hình thí điểm tại 4 địa phương gồm Phú Thọ, Hưng Yên, Nam Định và Vĩnh Phúc. Đến ngày 24/8/2019 đã có 25 tỉnh, thành phố tham gia kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc.
Được biết, để đảm bảo việc kết nối giữa các cơ sở sử dụng phần mềm của các nhà cung cấp khác nhau, cuối năm 2018, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã có hướng dẫn tạm thời việc triển khai kết nối liên thông dữ liệu.
Theo hướng dẫn, thiết lập kênh kết nối an toàn giữa hệ thống quản lý phần mềm tập trung của các nhà cung cấp phần mềm tới hệ thống “Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia”. Mỗi nhà cung cấp phần mềm quản lý nhà thuốc được đăng ký và sử dụng 1 tài khoản cho các cơ sở sử dụng phần mềm của nhà cung cấp đó.
Các đơn vị cung cấp phần mềm, cơ sở sử dụng phần mềm cũng được yêu cầu phải đảm bảo đạt chuẩn yêu cầu dữ liệu đầu ra theo Quyết định 540 ngày 20/8/2018 và chuẩn kết nối dữ liệu theo Quyết định 777 ngày 27/11/2018 của Bộ Y tế. Thống kê của Cục Quản lý Dược cho hay, tính đến ngày 18/10/2019, danh sách các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối và chuyển dữ liệu thành công vào hệ thống “Cơ sở dữ liệu Dược quốc gia” đã là 50 đơn vị.
T.Thư