Hơn 33.000 đơn nông sản Hải Dương trên các sàn Postmart, Vỏ Sò

Từ đầu tháng 3/2021, cả 2 doanh nghiệp bưu chính lớn là Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã khởi động các chương trình, chiến dịch hỗ trợ nông dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Mục tiêu đặt ra không phải chỉ là hỗ trợ các hộ tiêu thụ lượng nông sản đến kỳ thu hoạch bị ùn ứ do ảnh hưởng dịch Covid-19, mà quan trọng hơn là mở ra một kênh tiêu thụ hàng hóa mới cho người dân để nông sản Việt thoát cảnh giải cứu.

{keywords}
Theo Vietnam Post, việc hỗ trợ Hải Dương trong chiến dịch vừa qua chỉ là bước tiền đề để đưa sàn Postmart đến gần hơn với người tiêu dùng và các hộ nông dân.

Thực tế, tại Hải Dương, song song với việc tổ chức đội ngũ nhân sự trực tiếp xuống các trang trại, nhà vườn, hợp tác xã để hướng dẫn người dân cách thức tạo gian hàng, cách livestream, viết nội dung giới thiệu sản phẩm và bán hàng trên sàn thương mại điện tử, Vietnam Post và Viettel Post đã có nhiều ưu đãi nhằm khuyến khích người tiêu dùng đặt mua nông sản.

Cụ thể, VietnamPost áp dụng miễn phí 100% phí vận chuyển nông sản Hải Dương. Với Viettel Post, bên cạnh việc triển khai tính năng “Mua chung giá rẻ” trên sàn, xây dựng chương trình Flash Sale cho nông sản Hải Dương, đơn vị này còn áp dụng mức phí vận chuyển đồng giá 11.000 đồng cho đơn hàng trọng lượng tới 30kg từ Hải Dương đến một số địa phương trong tháng 3/2021.

Theo thống kê mới nhất từ Vietnam Post và Viettel Post, sau hơn 1 tháng triển khai chương trình hỗ trợ bà con nông dân Hải Dương, tổng số đơn hàng nông sản Hải Dương của 2 sàn này đạt trên 33.000 đơn, với tổng sản lượng tiêu thụ lên tới hơn 60 tấn rau củ (su hào, bắp cải, cà rốt, khoai tây, hành…) cùng gần 8.000 con gà và hơn 300.000 trứng.

Hỗ trợ nông dân quen cách thức bán nông sản qua sàn thương mại

Đáng chú ý, theo đại diện Vietnam Post, riêng trong chương trình hỗ trợ người dân Hải Dương tiêu thụ nông sản vừa qua, đội ngũ Vietnam Post đã đồng hành và hướng dẫn thành công cho hầu hết bà con tại các địa bàn trọng điểm như thành phố Hải Dương, huyện Chí Linh, Cẩm Giàng, Kim Thành… cách thức đưa nông sản lên bán trên sàn cũng như tiếp cận với công nghệ số…

Vì thời gian gấp rút cũng như có một số rào cản trong việc phòng tỏa các địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên mô hình trên chưa thể nhân rộng được 100% trên toàn tỉnh. 

“Tuy nhiên, trong kế hoạch sắp tới của Vietnam Post, bắt đầu từ quý 2/2021, đội ngũ Vietnam Post sẽ liên tục triển khai đào tạo và hỗ trợ bà con nông dân không chỉ ở Hải Dương mà còn ở 62 tỉnh thành còn lại trong việc đưa sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm - PV) lên sàn, nhằm nhân rộng mô hình phát triển “sử dụng công nghệ số trong kinh doanh” đến gần hơn với bà con cả nước”, đại diện Vietnam Post thông tin.

{keywords}
Viettel Post cho biết, đến nay đã có trên 150 hộ nông dân Hải Dương được hướng dẫn và hơn 30 hộ mở gian hàng trên sàn Vỏ Sò.

Tương tự, với Viettel Post, trong hơn 1 tháng vừa qua, doanh nghiệp bưu chính này đã cử hơn 10 nhóm nhân sự trực tiếp xuống các hợp tác xã, hộ nông dân tại Hải Dương để hướng dẫn bà con cách thức bán hàng mới – bán trên sàn thương mại điện tử. Đến nay, có trên 150 hộ nông dân Hải Dương được hướng dẫn và hơn 30 hộ mở gian hàng trên sàn Vỏ Sò.

Cũng trong thời gian qua, hệ thống của sàn Vỏ Sò đã ghi nhận, tính riêng các gian hàng nông sản, đặc sản OCOP, lượng truy cập sàn đã tăng 200%. Có thể thấy sức hút của nông sản Việt là rất lớn.

“Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe và chủ động tìm kiếm những sản phẩm có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng, cũng như được đảm bảo về mặt an toàn thực phẩm. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư mở thêm các kho lạnh nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất đến tay người tiêu dùng”, đại diện Viettel Post thông tin thêm.

Như ICTnews đã thông tin, sàn thương mại điện tử Vỏ Sò của ViettelPost đang xúc tiến công tác chuẩn bị để chiến dịch ứng dụng công nghệ số giúp nông sản Việt thoát cảnh giải cứu được mở rộng thêm ở 3 địa phương khác ngoài Hải Dương là Quảng Ninh, Bắc Giang và Khánh Hòa ngay trong tháng 4.

Trao đổi với ICTnews, ông Vũ Thế Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) nhận định, việc 2 doanh nghiệp bưu chính lớn là Vietnam Post và Viettel Post tiến hành chiến dịch hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ số, đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử có thể coi là một phép thử, xem cả 3 phía liên quan đánh giá sự hiệu quả và khả thi của mô hình, gồm người tiêu dùng, nông dân và hệ thống sàn thương mại điện tử của các đơn vị bưu chính.

“Mô hình này có duy trì được bền vững hay không thì chúng ta cần chờ xem người tiêu dùng có thay đổi thói quen lâu nay của mình được hay không, khi thường mua nông sản tại các chợ, siêu thị quen thuộc, tiện lợi”, ông Bình nêu quan điểm.

M.T

Chuyến hàng mở màn chiến dịch đưa nông sản Việt Nam lên sàn thương mại

Chuyến hàng mở màn chiến dịch đưa nông sản Việt Nam lên sàn thương mại

Tối 4/3, chuyến xe chở 60.000 quả trứng gà sạch Cẩm Đông đã về đến kho của sàn Vỏ Sò để sớm đến tay người tiêu dùng. Đây là những lô hàng đầu tiên trong chiến dịch dùng công nghệ số giúp nông sản Việt thoát cảnh cần giải cứu.