Cuộc gặp gỡ với bà Sandy Hòa Đặng, Giám đốc Điều hành Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) diễn ra trong dịp phái đoàn VEF sang làm việc tại Việt Nam đầu tháng 6 này.
Bà Sandy Hòa Đặng chia sẻ: “Là người Mỹ gốc Việt, tôi rất vinh dự khi được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Điều hành của VEF. Với cương vị này, tôi sẽ có cơ hội đóng góp những kỹ năng và kiến thức của mình cho ngành giáo dục và giúp phát triển mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Theo kế hoạch thì tháng 7/2015, VEF sẽ tiến hành tuyển sinh đợt cuối cùng, vì thời gian hoạt động của Quỹ đến năm 2018 là hết theo như Đạo luật VEF đã ban hành năm 2000. Tôi hy vọng là VEF sẽ được Quốc hội Hoa Kỳ gia hạn".
Bà Sandy Hòa Đặng |
Tình hình những cựu học viên của VEF hiện nay như thế nào, thưa bà?
- Tính tới thời điểm này, VEF đã trao học bổng cho 528 sinh viên, học tập và nghiên cứu tại trên 100 trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ. Trong số này đã có 232 người tốt nghiệp Tiến sĩ, 85 người tốt nghiệp Thạc sĩ.
Theo thống kê thì 45% cựu học viên VEF hiện làm trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy, 32% làm trong các công ty, tổ chức, 8% làm trong lĩnh vực phát triển, 3% làm trong lĩnh vực dịch vụ dân sự, và 11% tự kinh doanh sau khi về nước.
Hiện nay, có nhiều cựu học viên giủ vị trí quan trọng trong các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu. Họ mang kiến thức, kinh nghiệm học tập bên Mỹ về áp dụng cho phù hợp điều kiện giáo dục của Việt Nam.
Bên cạnh những người đang phát triển rất tốt, thì cũng có những người công việc không được như mong muốn. Việc này không chỉ do năng lực của học viên mà còn do môi trường làm việc trong nước. Tôi mong là điều kiện và môi trường trong nước phát triển tốt hơn, có thể sử dụng tất cả tài năng được đào tạo qua VEF nói riêng, và các du học sinh ở nước ngoài về nói chung.
Đảm nhận vị trí Giám đốc Điều hành vào thời điểm Quỹ chuẩn bị kết thúc hoạt động, bà đặt ra mục tiêu gì cho khoảng thời gian còn lại?
Quỹ Giáo dục Việt Nam ra đời do Đạo luật VEF Act năm 2000 của Quốc hội Hoa Kỳ, nhằm cải thiện mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam thông qua các hoạt động trao đổi giáo dục tập trung vào các ngành khoa học, kỹ thuật, toán học, y tế và công nghệ. Chương trình học bổng VEF là hoạt động trọng tâm của Quỹ. VEF yêu cầu các nghiên cứu sinh và học giả trở về Việt Nam sau khi hoàn tất các chương trình học thuật của mình tại Hoa Kỳ. |
- Sau 15 năm hoạt động, thành công của Quỹ không chỉ ở việc tuyển chọn ứng viên để trao học bổng, mà còn là cầu nối cho những trường đại học ở Mỹ gắn bó với các trường đại học ở Việt Nam. Học bổng là chương trình trọng tâm, nhưng mỗi năm Quỹ còn đưa về Việt Nam các giáo sư, nhà khoa học hàng đầu của Mỹ. Bởi vậy, dù kinh phí không nhiều nhưng sự lan tỏa của Quỹ vô cùng lớn.
Sự lan tỏa này có thể kể đến việc những cựu học viên của VEF khi về nước lại giúp cho người khác. Như một học viên ở Nghệ An, ngoài việc là chuyên môn đã thành lập nhóm để ôn luyện cho cả nghìn người, giúp họ có thể xin học bổng đi du học của các nước khác.
Chất lượng tuyển sinh tốt đã giúp VEF có hơn 100 trường đại học đối tác, cam kết cấp học bổng cho học viên sau 2 năm đầu để họ học tiếp chương trình Tiến sĩ. Vì vậy, số tiền 5 triệu USD của Quỹ hằng năm giúp cho nhiều sinh viên hơn sự tính toán ban đầu. Ngoài số hơn 500 người đã và đang nhận học bổng của VEF, còn một số lượng lớn sau khi được VEF tuyển chọn, sang Mỹ đã tự tìm được học bổng của trường mà cần bổng của VEF nữa. VEF có thể dùng khoàng này cho các sinh viên khác có nhu cầu du học.
Trong khoảng thời gian 3 năm còn lại, tôi sẽ làm hết sức mình, mà việc đầu tiên là việc tuyển sinh thành công cho năm 2016. Bên cạnh đó là tạo dựng mạng lưới cựu học viên VEF, làm việc cùng các bộ ngành, hợp tác trao đổi kỹ thuật, nghiên cứu và giảng dạy như khoa học công nghệ của Việt Nam…
Bà nhận xét thế nào về những học viên được nhận học bổng VEF – những người có thể gọi là ưu tú của giới trẻ Việt Nam hiện nay?
- Tôi rất thích làm việc với người trẻ của Việt Nam.
Điều khiến tôi yêu mến họ không chỉ vì họ là những người giỏi, mà bởi vì họ quan tâm đến những thế hệ sau này, đến nền giáo dục của Việt Nam. Họ thật sự mong muốn, ao ước đóng góp cho cộng đồng, cho xã hội, đưa Việt Nam tiến ngang với các nước phát triển trên thế giới.
Về mặt cá nhân, bà mong muốn điều gì khi tham gia VEF?
- Đây là công việc rất có ý nghĩa đối với tôi, vì tôi được làm cho cả hai đất nước mà tôi yêu mến.
Trong 15 năm qua VEF đã có nhiều thành công. Tôi mong những thành công này có thể kéo dài kể cả sau khi Quỹ dừng hoạt động. Tôi mong rằng với cương vị giám đốc điều hành, tôi sẽ đánh giá, tổng kết chương trình, chia sẻ những kinh nghiệm làm việc với các đối tác ở Mỹ và Việt Nam, có thể giúp sinh viên Việt Nam sau này có nhiều kinh nghiệm và cơ hội để giành được học bổng đến Mỹ cũng như các nước khác.
Bên cạnh đó, sự kết nối giữa hai nước thông qua giáo dục và khoa học công nghệ cũng phát triển hơn không chỉ với việc đưa các nhà khoa học hàng đầu của Mỹ tới Việt Nam, mà còn đưa các giáo sư, giảng viên của Việt Nam sang Mỹ nghiên cứu và hợp tác giảng dạy…
Xin cảm ơn bà.
Ngày 22/2/2015, bà Sandy Hòa Đặng được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Điều hành Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF). Bà Sandy sinh ra tại Hà Nội và rời Việt Nam lúc 10 tuổi. Năm 13 tuổi, bà định cư tại Hoa Kỳ. Trong hơn một thập kỷ, bà Sandy là Nhà sáng lập và Giám đốc Điều hành tổ chức Lãnh đạo và Phát triển Mỹ Á (AALEAD), một tổ chức hỗ trợ các gia đình nhập cư và tị nạn thông qua hàng loạt các dịch vụ giáo dục và xã hội. Bà được trao học bổng và hoàn thành chương trình thạc sĩ chuyên ngành Quản trị Hành chính tại Trường ĐH Harvard Kenedy vào năm 2010. Năm 2011, bà được Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama bổ nhiệm chức vụ thành viên Hội đồng Quản trị VEF. Bà Sandy được trao tặng nhiều giải thưởng danh tiếng vì khả năng lãnh đạo cộng đồng xuất sắc, trong đó có danh hiệu “Công dân xuất sắc của Washington DC” năm 2001. |