Chiều nào cũng vậy, khoảng 16h, tôi lại nghe thấy tiếng rao quen thuộc: “Ai bún đây... Ai bún nào?”. Cùng với đó, hương thơm của những cánh đồng lúa đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch gợi lại trong tôi những ký ức về món bún riêu cua - món ăn ngon nhất mà tuổi thơ tôi được thưởng thức.

Khoảng 50 năm trước, kinh tế còn khó khăn, phần lớn các gia đình nông thôn không có đủ gạo ăn nên món bún riêu cua được xếp vào hàng xa xỉ, chỉ những nhà khá giả mới có. Và dù khá giả thì một năm cũng chỉ dám đổi bún một vài lần. Đó là vào ngày tết Đoan ngọ (5/5 âm lịch) và ngày cuối vụ thu hoạch lúa. 

Để có bữa bún, các gia đình phải dùng thóc để đổi. Nhà tôi đông người nên một bữa bún phải đổi bằng một thúng thóc. 

Vào ngày mùa, sau khi nhận được rơm tươi từ hợp tác xã (vì nhà tôi nuôi trâu cho hợp tác xã nên được chia rơm để lấy thức ăn cho trâu), mấy chị em tôi cho vào xe kéo ra phơi trên con đường gần nhà. 

Sau mấy nắng, rơm thu về đánh đống trong vườn. Còn tôi có nhiệm vụ mang chổi ra quét sạch sẽ cả đoạn đường phơi rơm đó, vét hết mùn, đất cát lẫn các hạt lúa rơi, rụng ra mang về. Sau đó, mẹ tôi mang xuống ao đãi lấy lúa. 

Mỗi lần quét như vậy tôi được mấy cân thóc. Mấy anh em đem ra sân phơi rồi để riêng vào một cái thúng.

Ngoài ra, những ngày mùa khi mưa rào, các hạt lúa còn sót lại sẽ theo nước chảy vào các chỗ trũng trên đường. Tôi lại đi vét những hạt lúa đem về.

Số lúa đó mẹ lại dồn vào cái thúng đựng lúa rơm hôm trước. Đến tết Đoan ngọ sẽ đem ra đổi bún. 

Trước ngày đổi bún, mấy anh chị em tôi đi bắt cua, chọn ra những con to, khỏe cho vào một cái nồi đất, bỏ mấy cái bèo tây, đậy lại chuẩn bị làm nồi riêu. 

Để có được nồi riêu ngon, mẹ tôi chọn những con cua cái béo mẫm. Ảnh Kiên Trung.

Mọi thứ được chuẩn bị sẵn sàng. Đêm trước ngày tết Đoan ngọ tôi thấp thỏm không ngủ được, nằm chỉ chờ nghe thấy tiếng rao của mấy bà hàng bún là chạy nhanh ra đón. Bởi chỉ cần chậm một chút là hết bún, lại phải chờ đến hôm khác mới được ăn. 

Sau khi gọi được người đổi bún, tôi mang rá ra ngồi chờ sẵn. Mẹ tôi đưa thóc cho họ cân, rồi họ đưa bún cho tôi xếp vào rá. Tôi bê rá bún vào nhà còn tranh thủ bóc những sợi bún ở rìa ngoài ăn rồi mới đi học. 

Buổi học hôm đó, lòng tôi khấp khởi niềm vui vì trưa về có món bún riêu cua béo ngậy. Cả buổi học, tôi gần như chẳng để chữ nào vào đầu, chỉ ngóng hết buổi là co giò chạy thật nhanh về nhà, lăng xăng giúp mẹ những việc vặt chuẩn bị cho bữa bún.

Khi cả nhà về đủ, mẹ tôi bê ra một nồi riêu cua đặc xoắn, vàng ngậy, thơm nức mũi. Để có được nồi riêu ngon như thế, mẹ tôi chọn những con cua cái béo mẩy còn tươi, ngâm trong nước cho cua tự nhả hết chất bẩn, rồi bóc mai, bỏ yếm, vảy sạch nước, cho vào cối đá giã nhuyễn. Sau đó, mẹ lọc kỹ, nêm mắm muối, khuấy đều cho tan ra. 

Mẻ để nấu riêu cũng phải chọn những âu mẻ chín ngấu trắng và thơm, lọc bỏ phần bã. Khi nấu phải khuấy đũa cho phần gạch cua nổi lên không bị nát.

Phần gạch và trứng ở mai cua được khêu ra, phi vàng. Ảnh: Daynauan

 Phần gạch và trứng ở mai cua được khêu ra, phi vàng. Khi riêu nấu xong mới cho gạch vào để nồi riêu có màu sắc và mùi vị ngon, hấp dẫn. 

Bún được cắt thành từng miếng vuông vắn xếp trên những cái đĩa to. Mẹ tôi còn chuẩn bị rau muống chẻ, hoa chuối tây thái nhỏ, các loại rau thơm, gia vị... bày trên mâm để ai thích ăn loại rau nào thì dùng theo khẩu vị. 

Tôi không thích rau sống hay thứ gia vị nào nên chỉ ăn bún với riêu. Lần nào cũng thế, ngồi vào mâm là tôi ăn liền một mạch cho đến khi no căng bụng mới đứng dậy. 

Hơn 50 năm trôi qua, vị chua của mẻ, béo ngậy và ngọt lịm của cua đồng, quyện cùng sợi bún trắng mềm và vẻ mặt mãn nguyện của cả nhà khi thưởng thức món ngon vẫn luôn là kỷ niệm không thể quên đối với tôi.

Bát bún riêu có vị chua của mẻ, béo ngậy và ngọt lịm của cua đồng, quyện cùng sợi bún trắng mềm mẹ nấu là món ăn ngon nhất của tuổi thơ tôi.

Ngày nay, đời sống các gia đình được nâng cao, có biết bao món ăn ngon Âu, Á khác nhau. Các quán ăn, nhà hàng mọc lên như nấm, phục vụ nhiệt tình. Món bún riêu cũng vẫn được nhiều người yêu thích nên các quán vẫn bán nhiều. Có hôm thấy thèm tôi cũng gọi một bát ăn để tìm lại những ký ức tuổi thơ. 

Bát bún riêu bây giờ thoạt trông có vẻ hấp dẫn, với những sợi bún trắng và dai hơn nhưng vị của nó không hề giống xưa. Có lẽ bát bún riêu cua với hương vị mẹ nấu năm nào chỉ còn trong hoài niệm của tôi mà thôi!

Có những món ăn bình dân, mộc mạc nhưng luôn khiến người con đất Việt vương vấn. Khi xa nhà, chỉ cần tên món ăn được nhắc đến, bao nhiêu kỷ niệm lại ùa về khiến lòng người thổn thức, nhớ da diết vị quê hương. 

VietNamNet khởi đăng tuyến bài Những món ăn gợi nhớ quê nhà. Tuyến bài là ghi chép của độc giả VietNamNet trên khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài về các món ăn ngon, hấp dẫn của Việt Nam. Bài viết của độc giả vui lòng gửi về địa chỉ mail: [email protected]

Hoàng My