Cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận dài 91km được đề xuất mở rộng với kinh phí hơn 32.000 tỷ đồng theo phương thức PPP, hợp đồng BOT với thời gian thu hoàn vốn 17 năm 4 tháng.
Ban Quản lý dự án 7 thuộc Bộ Giao thông vừa có văn bản báo cáo UBND TPHCM về tình hình thực hiện dự án đầu tư xây dựng mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TPHCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận.
Theo đó, dự án được liên danh nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM - Công ty cổ phần Tasco đề xuất triển khai.
Phạm vi nghiên cứu chính là toàn tuyến cao tốc dài 91km từ TPHCM đến Mỹ Thuận, các nút giao (liên thông và trực thông), các công trình trên tuyến (cầu, cống, ...), hệ thống giao thông thông minh, hệ thống thu phí và các nội dung theo ý kiến của TPHCM, tỉnh Long An, tỉnh Tiền Giang, Cục Đường bộ Việt Nam...
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, nhà đầu tư đã tính toán, xây dựng các kịch bản đầu tư các đoạn tuyến TPHCM - Trung Lương và Trung Lương - Mỹ Thuận để từ đó lựa chọn phương án đầu tư tối ưu. Cụ thể, là đầu tư từng đoạn độc lập hay ghép 2 đoạn cao tốc thành dự án. Về hình thức theo phương thức đầu tư công hay đối tác công tư (PPP), …
Qua nghiên cứu, nhà đầu tư kiến nghị phương án tối ưu là đầu tư mở rộng toàn tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương - Mỹ Thuận dài 91km trong giai đoạn năm 2024-2028 theo phương thức PPP, hình thức hợp đồng BOT, không có vốn ngân sách nhà nước tham gia trong dự án.
Phạm vi dự án sẽ có điểm đầu là nút giao Chợ Đệm (tại Km9+325), thuộc địa phận TPHCM, điểm cuối là nút giao An Thái Trung (tại Km101+126), thuộc địa phận tỉnh Tiền Giang.
Về quy mô, đoạn từ TPHCM (bao gồm nút giao Chợ Đệm) đến Trung Lương với quy mô 8 làn xe hoàn chỉnh, 2 làn dừng khẩn cấp (trong đó có khoảng 1,2km đi qua địa phận TPHCM) đoạn từ Trung Lương đến Mỹ Thuận (nút giao An Thái Trung) với quy mô 6 làn xe hoàn chỉnh, 2 làn dừng khẩn cấp.
Theo Ban quản lý dự án 7, tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 32.270 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 17 năm 4 tháng.
Tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương khai thác từ năm 2010 với chiều dài khoảng 40 km. Trong giai đoạn 1, tuyến này có quy mô 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng. Đến nay, sau hơn 13 năm hoạt động, lưu lượng phương tiện trên tuyến đạt 50.000 lượt xe/ngày đêm, thường xuyên ùn tắc và tai nạn. Tốc độ lưu thông chỉ đạt 60-70 km/h, so với thiết kế 100-120 km/h.
Trong khi đó, cao tốc đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km, quy mô 4 làn xe, đi vào hoạt động tháng 4/2022 với mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, tốc độ 80 km/h. Tuy nhiên, đoạn này chỉ có các làn dừng khẩn cấp không liên tục nên khi xảy ra tai nạn sẽ gây ùn tắc kéo dài.
TPHCM bố trí gần 1.000 tỷ đồng mở rộng 3,2km đường dẫn cao tốc TPHCM - Long Thành lên gấp đôi để giải quyết ùn tắc, đồng bộ giao thông, tăng kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ.
TP.HCM không muốn làm cơ quan chủ trì dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Trung Lương lên 8 làn xe do đang phải dồn sức làm 2 dự án trọng điểm liên kết vùng.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 50km, tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, được khánh thành, đưa vào sử dụng đúng dịp lễ 30/4- 1/5. Công trình giúp rút ngắn thời gian đi từ TP.HCM về Mỹ Thuận chỉ còn 1h45 phút.